Giải pháp tiết kiệm thời gian và chi phí

Theo daibieunhandan.vn

Góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp tham gia các hoại hình bảo hiểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

BHXH Việt Nam đã ban hành các kế hoạch nhằm tin học hóa toàn diện trong các hoạt động quản lý và nghiệp vụ của ngành ở tất cả các lĩnh vực; đồng thời liên thông dữ liệu với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Trong đó, nhiều dự án về công nghệ thông tin có sức ảnh hưởng lớn đến quá trình hiện đại hóa đã được triển khai và bước đầu cho kết quả khả quan như phần mềm cấp số định danh và quản lý bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình; Phần mềm quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành. Ngoài ra, để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, ngành BHXH đã lắp đặt mạng diện rộng (WAN) và internet đối với 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 quận, huyện khắp cả nước, tạo thuận tiện trong quản lý và cấp sổ BHXH và thẻ BHYT.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch điện tử trong lĩnh vực đóng BHXH, BHYT và Hệ thống thông tin giám định BHYT. Những hệ thống này đã góp phần quan trọng giúp rút ngắn đáng kể thời gian và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khi thực hiện giao dịch, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính được nâng cao.

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giám định BHYT cũng đã được triển khai quyết liệt. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã chính thức vận hành. Hiện nay, hơn 12.000 cơ sở y tế (trừ những cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, internet) đã thực hiện giao dịch và chuyển dữ liệu trực tiếp lên Cổng tiếp nhận của Hệ thống thông tin giám định BHYT.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, là ngành có giao tiếp rất nhiều với người dân và đơn vị sử dụng lao động, BHXH Việt Nam xác định ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là giao dịch BHXH điện tử là phương thức tối ưu để thực hiện giảm 1/3 số lần và 50% số giờ thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, ngành BHXH đang phục vụ hơn 75 triệu người tham gia BHYT. Với tần suất khám, chữa bệnh khoảng 140 triệu lượt người/năm thì việc giám định BHYT điện tử thực sự mang lại hiệu quả rất lớn. Bởi, nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, nghĩa là cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký/năm; nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một dòng viết cũng có nghĩa cả nước sẽ bớt được 140 triệu dòng viết/năm.

Như vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp ngành BHXH kiểm soát được chặt chẽ từ khâu đầu vào, hồ sơ bệnh án, cho tới quá trình thanh toán quyết toán được chính xác, giúp bảo đảm đúng, đủ quyền lợi cho người bệnh. Hay nói cách khác, không chỉ tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, người dân, mà ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp ngành BHXH tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí mỗi năm.