Để Quỹ bảo hiểm y tế phát triển bền vững
Nguồn thu từ bảo hiểm y tế (BHYT) đang trở thành nguồn tài chính chủ yếu của Quỹ BHYT; cùng với lãi từ hoạt động đầu tư, Quỹ BHYT đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi tiêu, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước (NSNN) cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề cân đối Quỹ BHYT đang trở nên vô cùng cấp thiết, trong bối cảnh chi phí khám chữa bệnh ngày càng tăng, nếu không có giải pháp quản lý hiệu quả thì Quỹ BHYT trong vài năm tới có thể mất an toàn.
Nguồn lực chăm sóc sức khỏe nhân dân
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của toàn hệ thống, hoạt động thu từ đóng góp Quỹ BHYT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nguồn thu Quỹ BHYT tăng dần qua các năm; mức tăng thu từ năm 2011 - 2015 luôn đạt trên 10,5 %. Tỷ lệ người tham gia BHYT liên tục gia tăng qua các năm, cùng với đó từng bước tăng dần mức đóng góp của người tham gia. Điều này làm cho số thu Quỹ BHYT cũng tăng trưởng mạnh năm sau luôn cao hơn năm trước, nguồn thu từ đóng BHYT hằng năm trở thành nguồn tài chính chủ yếu bảo đảm chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Kết quả này có được là do sự cố gắng nỗ lực của toàn ngành BHYT trong công tác tuyên truyền, đôn đốc thu BHYT đối với các thành phần tham gia, khẳng định bước đi đúng đắn trong việc định hướng của ngành BHXH trong công tác quản lý thu Quỹ BHYT.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác hành thu BHYT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHYT vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng. Tính đến nay, các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước vẫn nợ trên 7 nghìn tỷ đồng chiếm trên 51% tổng nợ BHYT, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; tỷ lệ đóng BHYT hiện nay còn thấp và nếu không điều chỉnh mức đóng BHYT, thì theo tính toán của các chuyên gia, Quỹ BHYT chỉ có thể cân đối thu chi thêm vài năm tới và rơi vào tình trạng bội chi.
Bên cạnh đó, tuy số lượng đối tượng tham gia BHYT liên tục gia tăng qua các năm, nhưng xét về tiến độ mở rộng tỷ lệ bao phủ thì lại có xu hướng chậm lại; việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT còn chậm, trước hết là đối tượng thuộc khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ gia đình rất thấp ảnh hưởng lớn tới nguồn thu BHYT.
Bảo đảm phát triển bền vững
Để bảo đảm phát triển, cân đối Quỹ BHYT bền vững, theo các chuyên gia, ngành BHXH cần tăng số người tham gia BHYT và gia tăng mức thu phí BHYT. Cùng với đó là có các giải pháp quản lý đầy đủ, chính xác, kịp thời các nguồn tài chính và Quỹ BHYT.
Cụ thể, mức đóng BHYT hiện nay còn thấp so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Hiện mức đóng hiện tại là 4,5%, chưa đạt được mức tối đa là 6% theo quy định Luật BHYT. Có thể nói, tăng mức phí tham gia BHYT cũng là một trong những điều kiện đầu tiên có vai trò quan trọng để bảo đảm nguồn tài chính cho quỹ và tạo điều kiện mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Tuy vậy, để thực hiện được lộ trình phù hợp và phải làm tốt công tác tuyên truyền để người lao động hiểu việc đóng góp BHYT là nghĩa vụ và quyền lợi thiết thân. Bên cạnh đó là tiếp tục tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đây là giải pháp căn bản để thực hiện chức năng chia sẻ rủi ro của BHYT và bảo đảm cho sự bền vững của Quỹ. Một trong những phương pháp chia sẻ rủi ro tối ưu nhất đó là thực hiện bao phủ toàn bộ dân số, thông qua quy định tham gia BHYT có tính bắt buộc.
Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, theo các chuyên gia, trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như tăng cường công tác chỉ đạo điều hành và sự phối hợp, chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành.
Đồng thời ngành BHXH phải quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp chống thất thu và nợ đọng BHYT, cơ quan BHXH phải phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp thực thi tốt nghĩa vụ BHYT bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia BHYT. Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn, tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về BHYT phù hợp với vùng miền, nhóm đối tượng; cách thức vận động tuyên truyền là phải đi vào từng ngõ, từng nhà, rà soát từng đối tượng để giải thích về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT cho người dân hiểu.
Một số nhóm có tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp như: Nhóm doanh nghiệp, tỷ lệ tham gia mới đạt 48%. Trong vòng 6 năm từ năm 2010 đến năm 2016, tỷ lệ tham gia của nhóm này không tăng mà còn giảm nhẹ. Nhóm cận nghèo chỉ mới có 55% tham gia, mặc dù đã được hỗ trợ tới 70% giá BHYT; nhóm tự nguyện mới chỉ có hơn 34% tham gia.