Giải pháp trọng yếu để kinh tế tư nhân bứt phá
Hiện nay, việc tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đang là đòi hỏi cấp thiết đối với Việt Nam. Thành phần kinh tế tư nhân được đánh giá sẽ là động lực cơ bản để kinh tế Việt Nam bứt phá mạnh mẽ trong tương lai. Vậy, cần những giải pháp nào để nâng cao năng lực cạnh tranh đối với thành phần kinh tế tư nhân đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.
Thời của doanh nghiệp tư nhân
Hòa cùng xu thế phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam đã và đang phát triển theo con đường kinh tế thị trường. Chính xu thế này cũng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá để khẳng định vị thế.
Trong quá trình 30 năm đổi mới, kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa đã được xóa bỏ, chuyển sang kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần tham gia sản xuất, kinh doanh. Sự thay đổi tính chất nền kinh tế đã giúp khu vực tư nhân dần được khôi phục.
Hiện nay, nước ta có khoảng 500.000 doanh nghiệp tư nhân, tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Riêng khu vực tư nhân tạo ra đến 90% việc làm mới cho người lao động và đóng góp khoảng 50% GDP cả nước. Khu vực này có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm phúc lợi và thu nhập cho người lao động trên cả nước.
Theo Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp 16,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước, trong khi doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI đóng góp 83,2%.
Ngân hàng Thế giới khẳng định, hiện đại hóa nền kinh tế đồng thời với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm, xem đây là chìa khóa để mở đường dịch chuyển lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị tại các nước công nghiệp hóa sớm ở Đông Á. Thực tế, vai trò và năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong thời gian gần đây cũng đã được Việt Nam chú trọng và nâng cao hơn.
Tại Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã ghi nhận định hướng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế” và “tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”. Khẳng định trong các thành phần kinh tế, Đảng lựa chọn phát triển kinh tế tư nhân là rất “đúng” và “trúng”, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao định hướng này và cho rằng, tư duy này mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân thời gian tới.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh: “Từ nay, kinh tế tư nhân sẽ được xác lập một vị thế mới trong nền kinh tế đất nước. Trong thời bao cấp, kinh tế tư nhân không được coi trọng và bị loại bỏ. Đến thời cải cách với nền kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân bắt đầu được khôi phục. Và sau hơn 30 năm, bây giờ chúng ta khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Giải pháp trọng yếu để kinh tế tư nhân bứt phá
Vậy trước bối cảnh hội nhập và xu thế phát triển nền kinh tế thị trường đòi hỏi Việt Nam cần có những giải pháp về cơ chế và chính sách phù hợp với thực tiễn để khơi nguồn cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh đổi mới thể chế kinh tế là một giải pháp chủ đạo, bao quát nhất để phát huy nội lực của thành phần kinh tế tư nhân. Có thể nói với đột phá trong tư duy của Đảng về kinh tế tư nhân tại Đại hội XII, đây chính là thời điểm Chính phủ cần có thêm những động lực mới với những cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển. Để từ đó, kinh tế tư nhân sẽ được tạo cơ hội, được cạnh tranh công bằng và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu kinh tế tư nhân không phải là đầu tàu. Việc hoàn thiện thể chế là do nhà nước tạo nên. Doanh nghiệp là đối tượng sử dụng thể chế nên phải có trách nhiệm thúc đẩy để hoàn thiện thể chế. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, muốn kinh tế phát triển thì doanh nghiệp với tư cách là một thể chế phải được thiết kế lại. “Ở đây nói đúng hơn là phải tái khởi động khởi nghiệp. Bởi lẽ, nếu doanh nghiệp phát triển theo kiểu kiếm ăn chộp giật thì thể chế doanh nghiệp đó không đúng với thị trường, Nhà nước cũng khó điều chỉnh chính sách phù hợp”, ông Cung nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể hội nhập với nền kinh tế thế giới thì trước hết, kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường. “Nhiệm vụ dẫn dắt thị trường của các doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thiện, tôi cho rằng bây giờ nên là sân chơi dành cho doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân cần thực sự được quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời cần có những sáng kiến, hỗ trợ để thúc đẩy cho doanh nghiệp tư nhân phát triển và từ đó doanh nghiệp tư nhân có thể “tỏa sáng”, trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà”, ông Hiếu khẳng định…