'Thể chế nào, doanh nhân đó'

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Liệu chúng ta có tạo được một làn sóng đầu tư mới, tăng vượt trội số doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam hay không? Câu trả lời là có nhưng tùy thuộc vào đáp án của câu hỏi dành cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Liệu có làn sóng cải cách hay không?

GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Hội thảo.
GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Đây là câu hỏi của Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và câu trả lời của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển doanh nghiệp” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và VCCI vừa mới tổ chức.

Chất lượng thể chế đóng vai trò mấu chốt

GS.TS Vương Đình Huệ cho biết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới, phát triển DN, góp phần triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về “tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia dựa trên nền tảng kinh tế thị trường hội nhập kinh tế quốc tế, cần dựa trên 4 yếu tố: Nỗ lực của nhà nước; áp lực của hội nhập quốc tế; động lực của DN, Hiệp hội DN; và cần phải huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển nền kinh tế.

“Thủ tướng cũng đã nói, chúng ta phải khai thác các nguồn lực tối đa cả về nội lực và ngoại lực để phát triển. Nhà nước phải đóng vai trò bà đỡ đặc biệt là những giai đoạn đầu của DN. Chúng ta nên nhận thức đúng hơn với vai trò của DNNVV. Chúng ta khẳng định vai trò của Nhà nước với vai trò dẫn dắt và phục vụ cho DN. Vai trò của thị trường là phân bổ. Vai trò phát triển phải dựa trên đổi mới và sáng tạo”, Trưởng ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chất lượng thể chế đóng vai trò cạnh tranh, đóng vai trò mấu chốt trong xã hội. Trong đó, thái độ của Chính phủ đối với thị trường tự do, quản lý điều tiết quá mức, thiếu sự minh bạch, sự phụ thuộc chính trị vào hệ thống tư pháp sẽ ảnh hưởng tới chi phí rất lớn.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo bà Victoria Kwakwa, cần kết nối các thị trường, cải thiện cơ sở hạ tầng đồng thời giúp giảm nghèo, bình đẳng… và cả giáo dục bởi nền kinh tế đòi hỏi nuôi dưỡng những người có trình độ, mức độ đào tạo cán bộ nhất là hướng nghiệp dạy nghề là điểm rất quan trọng để nâng cao tay nghề, tạo ra thị trường mong muốn. Để làm được các việc trên đòi hỏi mức can thiệp của Chính phủ, tạo sự hoạt động của DN.

Bà Victoria Kwakwa đề xuất, Chính phủ cần điều phối để đưa ra chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc: Thúc đẩy khu vực tư nhân, tự do hóa, bình đẳng cho các DN; phát triển nguồn vốn con người; thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng khu vực dịch vụ xương sống như khu vực tài chính, logistic, giao thông.

Trả lời cho một số câu hỏi của ông Vương Đình Huệ: Liệu chúng ta có tạo được một làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam hay không? Chúng ta có thể tăng vượt trội số lượng doanh nghiệp trong một thời gian ngắn hay không? .... TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, 5-7 năm tới sẽ trả lời cho câu hỏi dân tộc Việt Nam có vượt lên, có bứt phá được hay không.

Ông Lộc khẳng định: “Thể chế nào, doanh nhân đó, ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

“Liệu có làn sóng đầu tư mới, làn sóng phát triển mới hay không? Câu trả lời là có nhưng lại tùy thuộc vào câu trả lời dành cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ: Liệu có làn sóng cải cách thể chế hay không? Đại hội Đảng lần thứ XII lần đầu tiên khẳng định Việt Nam xây dựng một nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN theo hướng hiện đại theo chuẩn mực của thế giới. Cũng lần đầu tiên nhắc đến kinh tế tư nhân là động lực và xây dựng quốc gia khởi nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói thêm.

Muốn có làn sóng khởi nghiệp, cần quỹ đầu tư mạo hiểm?

Cho ý kiến về vấn đề khởi nghiệp, GS.TS Vương Đình Huệ cho rằng, nhận thức về khởi sự kinh doanh phải đầy đủ hơn. Theo đó, khởi sự kinh doanh không chỉ là một cá nhân, mà nó còn là của một gia đình, một doanh nghiệp. Kể cả một tập đoàn đa quốc gia hàng trăm năm tuổi thì cũng phải khởi sự kinh doanh, vẫnlà khởi nghiệp, khi họ phát triển một thị trường mới, một ý tưởng kinh doanh, hay một chiến lược, sản phẩm mới. Tiếp đósẽ cần xem thế nào là một thành phố khởi nghiệp, quốc gia khởi nghiệp.

“Điều này cũng đã được nói nhiều, nhưng điều quan trọng là bây giờ phải hành động thế nào để tạo được làn sóng khởi nghiệp quốc gia”, Trưởng ban Kinh tế trung ương đặt vấn đề.

GS.TS Vương Đình Huệ nói thêm, doanh nghiệp khởi nghiệp luôn gắn với sáng tạo, đổi mới; do đó, phía trước là cơ hội lớn phát triển, nhưng lại đối mặt với rất nhiều rủi ro. Để thúc đẩy được DN khởi nghiệp, rất cần những quỹ đầu tư của Chính phủ hoặc tư nhân. Tài trợ vốn cho lĩnh vực này, không thể yêu cầu các ngân hàng tài trợ vốn, vì rủi ro ngân hàng là rủi ro có tính hệ thống; còn đầu tư vào khởi nghiệp lại có tính chất là “năm ăn năm thua”. Bởi vậy, ngân hàng cũng có thể đầu tư vốn, nhưng vốn chính phải là các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Kinh nghiệm từ quốc gia khởi nghiệp điển hình là Israel, 20 năm trước đây cũng có một quỹ đầu tư của Chính phủ để tài trợ vốn cho DN khởi nghiệp, dần dần về sau, quỹ này được tư nhân hóa. Hay tại Hàn Quốc, hiện nay vẫn có một quỹ của Chính phủ để thực hiện vai trò này. Còn lại, phần lớn là nguồn tiền đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, mỗi quỹ này có tới hàng tỷ đô la. Do vậy, việc cần cho Việt Nam là làm thế nào để thu hút được các quỹ đầu tư mạo hiểm từ thế giới, cũng như các phương án hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Tuy vậy, theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh việc Chính phủ phải nâng cấp mình lên để đạt chuẩn mực quốc tế, thì DN cũng phải tự nâng cấp mình. Ngoài ra, DN cần có sự hỗ trợ của các Hiệp hội, cần có thị trường dịch vụ hỗ trợ kinh doanh để giúp các DNNVV vươn lên trở thành nơi cung cấp các dịch vụ cho DN lớn.

“Nhà nước phải nâng lên thì bản thân các DN cũng phải nâng lên về vấn đề quản trị và sáng tạo phát triển DN”, GS.TS Vương Đình Huệ cũng đồng thuận./.

Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB):

Thách thức cơ bản của Việt Nam vẫn là năng suất của khu vực tư nhân cũng giảm theo thời gian. Việt Nam hiện nay vẫn khó phân biệt được năng suất của khu vực tư nhân và DNNN. Do đó, cần phải đảo ngược xu hướng này. Cần tập trung xây dựng các cơ chế thị trường, đảm bảo cạnh tranh, sở hữu trí tuệ và tự do hóa các thị trường nhân lực, đất đai, nguồn vốn. Sự sáng tạo cần phải được thúc đẩy để nâng cao năng suất lao động.


Bà Meirav Eilon Shahar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam:

Chính phủ Israel tạo điều kiện rất tốt cho các DN khởi nghiệp, các thành phố cũng rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ họ. Để làm tốt việc này thì cần đầu tư vào con người, và việc này cần có sự phối hợp giữa cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp và giáo dục. Nghiên cứu và phát triển (R&D) đóng vai trò thiết yếu đối với thành công lâu dài của một công ty và là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Israel. Việc hỗ trợ công tác nghiên cứu và phát triển tại Israel là rất quan trọng đối với tăng trưởng bền vững, cũng như để duy trì lợi thế cạnh tranh của Israel trong các ngành công nghiệp dựa trên công nghệ.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong:

Đối với quá trình hội nhập, cái được và áp lực lớn nhất của Việt Nam là cải cách và phát triển thể chế. Dường như chúng ta đang để tồn tại quá nhiều thể chế trùng lặp, ngáng chân nhau. Chẳng hạn, có những chương trình trùng lặp như: Ban chỉ đạo quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, Hội đồng quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh. Do vậy, nên gộpcác cơ quan này lại do một Phó Thủ tướng phụ trách để thống nhất trong chỉ đạo điều hành.


Ông Tô Hoài Nam,Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASME:

Mặc dù khu vực DNNVV đang thể hiện vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, nhưng mấy năm gần đây chưa thoát khỏi khó khăn, có phần đuối sức trong xu thế cạnh tranh gay gắt và hội nhập. DNNVV hiện nay cần nhất một chính sách tốt trong môi trường bình đằng, không lợi dụng các mối quan hệ để phát triển; không cần chính sách bắt buộc DNNVV phải trở thành DN lớn. Có như thế thì DNNVV mới phát triển.