Giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải

PV

Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thuỷ lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu cho 04 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương
Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thuỷ lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu cho 04 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương

Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thuỷ lợi có vai trò rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 04 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng nhiều năm qua đã trở thành điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, mới đây, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành từ Trung ương đến các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quy hoạch; Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về hoàn thiện cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải; Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; Nhóm giải pháp, nhiệm vụ về tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung hoàn thành quy hoạch 04 tỉnh, thành phố trên hệ thống Bắc Hưng Hải; Lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch bảo vệ môi trường chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung.

Rà soát toàn bộ các QCVN chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương... giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu QCVN về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

Tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.