Giải quyết oan sai ở các nước: Giữ cán cân công lý thăng bằng!

Theo daibieunhandan.vn

Pháp luật luôn chiếm vị trí quan trọng, là công cụ không thể thiếu bảo đảm cho sự tồn tại và vận hành của xã hội, cũng như nền tảng đạo đức.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Tuy nhiên, không phải lúc nào, cán cân công lý cũng mang lại công bằng tuyệt đối. Đó đây trên thế giới, vẫn tồn tại những vụ án oan sai. Vấn đề nằm ở cách xử lý những trường hợp này ở mỗi quốc gia.

Bồi thường cho những tổn thương

Cách đây gần 7 thập kỷ, ở Nhật Bản xảy ra vụ thảm án nghiêm trọng, khi một tên trộm đột nhập vào gia đình một tu sĩ, dùng rìu giết chết vợ chồng chủ nhà. Nghi can số một lúc đó là Sakae Menda, một nông dân nghèo, bị kết án tử hình vào cuối tháng 3/1950, trong phiên tòa không có nhân chứng hay bằng chứng buộc tội.

Nhiều năm trời, Menda đã nhờ luật sư kháng án kêu oan. Trải qua nhiều phiên tòa xét xử, đến năm 1983, tức là sau 12.410 ngày sống trong lao tù, người nông dân vô tội mới được giải oan.

Tòa án thừa nhận, bị cáo đã bị ép cung để nhận tội, cơ quan điều tra che giấu chứng cứ có lợi cho bị cáo mà phía luật sư đưa ra trước khi xử án. Menda trở thành tử tù đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản được minh oan với mức bồi thường của Chính phủ cho một ngày làm tử tù là 7.000 yen.

Song, phải đến năm 2009, Menda mới nhận được 90 triệu yen tổng số tiền bồi thường. Sau vụ bê bối Menda, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải tổ hệ thống tòa án và quy trình tố tụng. Trên thực tế, Luật Bồi thường của nước này được ban hành lần đầu tiên vào năm 1913, nhưng những điều kiện cần thiết để được bồi thường còn tương đối hạn chế so với luật hiện hành.

Theo Khoản 1, Điều 1 của Luật, bất cứ cá nhân nào đã được phán quyết vô tội theo thủ tục thông thường, thủ tục tái thẩm, hoặc kháng cáo đặc biệt được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường cho việc bị bắt hoặc giam giữ chờ xét xử.

Với những người có quyết định công bố “vô tội” mà đã chấp hành hình phạt theo bản án sơ thẩm, hoặc bị tù giam, cũng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường cho việc chấp hành hình phạt hoặc bị tù giam.

Luật cũng quy định rõ mức bồi thường hình sự, đối với việc bị bắt, giam giữ, tù khổ sai, tù cầm cố, tiền bồi thường sẽ tương ứng với số ngày bị bắt, giam giữ theo mức từ 1.000 yen đến không quá 12.500 yen/ngày. Riêng với trường hợp tử hình sai, mức bồi thường là 30 triệu yen. Với các tài sản bị tịch thu, án phạt tiền mà người vô tội đã phải trả, Luật cũng có những quy định cụ thể về bồi thường.

Trở lại trường hợp của Menda, sau khi được giải oan, với tấm danh thiếp “Chiến sĩ đấu tranh vì công lý, tín ngưỡng và dân chủ hóa nhân quyền”, người nông dân chịu án oan sai này đã đi thuyết giảng tại nhiều trường học, hội nghị, nhằm đấu tranh chống tình trạng thiếu minh bạch của hệ thống pháp lý.

Đề cao vai trò của luật sư

Với 80% dân số sống ở các thành phố được coi là an toàn và đáng sống nhất thế giới, nhưng ở Canada vẫn xảy ra những vụ trọng án và cả những bản án oan. Năm 1969, Canada ghi nhận một vụ tấn công tình dục và giết người với nghi phạm chính là David Milgaard.

Sau gần 23 năm ngồi tù, với những bằng chứng vô tội, David được trả tự do và nhận mức bồi thường cao nhất trong lịch sử ngành tư pháp nước này, với số tiền lên đến 10 triệu CAD.

Tháng 6/2016, Ivan Henry, một phạm nhân bị kết án do liên quan đến 10 vụ tấn công tình dục trong thời gian từ năm 1981-1982, cũng được giải oan. Để đòi lại công lý, luật sư bào chữa cho Henry yêu cầu khoản bồi thường 30 triệu CAD. Sau khi cân nhắc tính toán và thương lượng, tòa án đã quyết định bồi thường cho Henry 8 triệu CAD.

Theo luật pháp Canada, Tòa án là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết bồi thường. Đối với thủ tục đền bù khi có sai lầm trong bản án hình sự, vấn đề đền bù thiệt hại có thể được đặt ra khi phạm nhân được tòa tuyên bố vô tội.

Tuy vậy, hiện nay, luật pháp Canada chưa có văn bản nào quy định cụ thể về đền bù cho người bị oan sai, mà chủ yếu thực hiện thông qua án lệ. Bên cạnh đó, với đặc thù là quốc gia liên bang, việc xem xét đền bù cũng được mỗi bang ban hành luật riêng để điều chỉnh.

Bên cạnh những quy định về đền bù, nhằm hỗ trợ cho những người chịu án oan còn có vai trò của lực lượng luật sư “hùng hậu”. Theo tính toán, tỷ lệ luật sư tại nước này khá cao, đạt mức 250-1.000 dân/1 luật sư. Canada có đội ngũ luật sư công riêng và có chính sách hỗ trợ.

Với những người dân có thu nhâp thấp dưới 750 USD/tháng, nếu phải đối mặt với vấn đề hình sự, Nhà nước sẽ bỏ tiền ra để thuê luật sư bảo vệ, nhằm mang lại sự công bằng tối đa cho người dân.