Mức phạt nặng để răn đe
Từ ngày 1/8 tới, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sẽ có hiệu lực, với mức phạt rất nặng. Trước những băn khoăn của nhiều cơ quan thực thi, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) đã "ngồi lại" với các đơn vị liên quan thuộc 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam để làm rõ.
Theo đại diện lực lượng Thanh tra giao thông thuộc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, tại Điều 28 của Nghị định có ghi, việc xử lý đối với xe chở quá tải trọng sẽ bao gồm cả lực lượng Cảng vụ hàng hải và Cục Đường thủy nội địa.
Như vậy, lực lượng Thanh tra giao thông có được xử phạt xe quá tải trọng ngay trong các cảng biển hay phải chờ xe ra khỏi cảng? Giải đáp điều này, ông Hoàng Thế Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GT-VT) cho hay, đối với hành vi vi phạm xe chở quá tải trọng trong các cảng biển thì trách nhiệm thuộc về lực lượng Cảng vụ hàng hải và Cảng vụ đường thủy nội địa, còn lực lượng Thanh tra giao thông chỉ xử phạt xe quá tải khi xe rời cảng và lưu thông trên đường bộ.
Liên quan đến vấn đề xử phạt xe quá tải khi Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/8, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GT-VT cho biết, Nghị định 46 không những quy định rất rõ ràng và cụ thể các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng mà còn phân quyền rõ ràng cho các lực lượng chức năng liên quan, từ đó, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp xe chở quá tải trọng sẽ dễ dàng, triệt để hơn.
“Khi Nghị định có hiệu lực, Thanh tra Bộ GT-VT sẽ thành lập các đoàn thanh tra liên ngành phối hợp với các lực lượng chức năng từng địa phương đồng loạt triển khai các chuyên đề kiểm soát tải trọng, đặc biệt tại các tuyến đường quốc lộ, các tuyến cửa ngõ, đường ra vào các cảng biển, bến xe…” - ông Thạch Như Sỹ thông tin.
Cũng theo Nghị định 46, mức phạt tiền đối với người đua mô tô, xe máy, xe điện và ô tô trái phép, lần lượt từ 7 đến 8 triệu đồng/trường hợp và từ 8 đến 10 triệu đồng/trường hợp. Nếu so với quy định hiện hành thì mức phạt này giảm hơn một nửa đối với từng trường hợp vi phạm.
Trước quy định này, các ý kiến cho rằng, việc giảm mức phạt tiền với các hành vi trên sẽ làm nạn đua xe trái phép ngày càng bùng phát. Thế nhưng, theo đại diện Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), mức phạt trên phù hợp với hình phạt tiền về tội đua xe trái phép được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ đầu tháng 7-2016 nên hành vi vi phạm hành chính đua xe trái phép có mức phạt không thể cao hơn mức phạt tiền của tội đua xe trái phép.
Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm là các công trình xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ. Theo Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), một công trình như thế nào gọi là công trình kiên cố và tạm thời khi xây dựng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ?
Lấy ví dụ cụ thể, Cục Quản lý đường bộ 4 nêu tại các tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, các cầu bê tông thường được xây dựng nối với các tuyến đường bộ, vậy, công trình này có được gọi là công trình kiên cố và có vi phạm hành lang đường bộ hay không? Giải đáp thắc mắc trên, ông Hoàng Thế Tùng cho biết, đối với cầu bê tông nối với đường bộ không thể gọi là công trình kiên cố hay đường nhánh được mà chỉ là công trình tạm thời trong hành lang an toàn đường bộ và căn cứ vào Nghị định để có biện pháp xử lý phù hợp nhất, với nguyên tắc xử lý làm sao có lợi cho người dân nhất.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Vũ Đỗ Anh Dũng, việc ban hành, triển khai Nghị định số 46 sẽ đủ chế tài và sức răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đúng với nhu cầu thực tiễn hiện nay.
“Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua như uống rượu, bia khi lái xe; vượt đèn đỏ; lạng lách; đánh võng; xe chở quá tải trọng...”, ông Vũ Đỗ Anh Dũng chia sẻ.