Mạng xã hội: Từ góc nhìn an ninh
Mạng xã hội đã và đang đặt ra những vấn đề an ninh mà giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì “Mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”(1).
Rõ ràng, mạng xã hội đã và đang đặt ra những vấn đề an ninh mà giới nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận đặc biệt quan tâm.
Từ nhận thức…
Các trang thông tin điện tử hay còn gọi là website như: forum, video, blog… được trình bày dưới dạng ký hiệu, số, chữ viết, hình ảnh, âm thanh và các dạng khác phục vụ cho việc cung cấp và sử dụng thông tin trên internet.
Mạng xã hội đã và đang phát triển nhanh chóng, hiệu quả đã vượt ra ngoài giới hạn về không gian và thời gian, có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại. Chỉ tính riêng các mạng (Facebook, Twitter, LinkedIn), trên thế giới đã có gần 2 tỷ người sử dụng. Ở Việt Nam con số này vào khoảng gần 30 triệu người. Những đặc trưng nổi bật khiến mạng xã hội được ưa dùng và phát triển nhanh có thể kể đến:
Một là, đây là trang thông tin mở, các hình ảnh, video, clip, bài viết, tin tức… được lưu hành và chia sẻ chính là nội dung của mạng xã hội và do chính các thành viên tự sáng tạo ra. Xu hướng chung là ngày càng nhiều người sử dụng những thông tin trên mạng thì Facebook càng trở thành kho lưu trữ nội dung khổng lồ, mà ở đó không có cơ quan nào giám sát, kiểm duyệt nội dung, chất lượng, hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ nhận thức, quan điểm của mỗi người tham gia chia sẻ với nhau.
Hai là, nguồn tin phong phú, đa dạng, với những tin tức thời sự, bình luận, quan điểm cá nhân của bất kỳ ai hoặc những hình ảnh, video, clip… về sự việc nào đó do chính các thành viên của mạng xã hội chia sẻ, cung cấp. Mặt khác, mạng xã hội còn tích hợp nhiều công cụ vui chơi, giải trí có thể đáp ứng nhu cầu của mỗi thành viên.
Ba là, độ tương tác cao, giao tiếp thuận lợi, các thành viên chia sẻ thông tin và tương tác trực tuyến với nhau theo các cách rất đơn giản như: thích, bình luận, ảnh, trò chuyện; và sử dụng các ứng dụng, kết nối về một nội dung hay một trang web nào đó.
Nhờ vậy, người dùng mạng xã hội có thể cùng nhau thảo luận, chia sẻ, tương tác ở bất cứ đâu với gia đình, bạn bè, xã hội... Cũng có thể liên kết thông qua tích hợp nhiều trang mạng và web khác nhau một cách nhanh chóng.
Bốn là, đa dạng về không gian và thời gian, các thành viên có thể truy cập tham gia mạng xã hội ở bất kỳ đâu mà ở đó có dịch vụ internet… với cách thức cũng đa dạng như: điện thoại di động thông minh, máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng… để kết nối internet, nên tính chủ động, linh hoạt rất cao.
Năm là, do tính đặc thù cao nên việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội là không dễ, các nguồn thông tin đúng, sai khó bề kiểm chứng; tốc độ phát tán rộng rãi, nhanh chóng thông qua rất nhiều hình thức khác nhau.
Nếu một thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm cá nhân hay tổ chức, hình ảnh nhạy cảm, phản cảm… sẽ gây tác động tiêu cực đến nhiều người; mạng xã hội còn có thể là môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng phá hoại một quốc gia hay tổ chức nào đó mà họ muốn. Vì vậy, tính hai mặt của mạng xã hội đều được các nước quan tâm.
Đến trạng thái an ninh…
Tại Hội thảo “Tương tác giữa báo chí và mạng xã hội” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các nhà nghiên cứu cho biết, tính đến cuối 2015, số người truy cập mạng xã hội đã chiếm 30% dân số. Trong đó, số người dùng mạng xã hội Facebook đạt 19,6 triệu (74,1%) lượng người dùng sử dụng, trong đó có khoảng 70% người dùng Facebook có độ tuổi từ 18-34.
Trong khi đó, theo số liệu được đưa ra tại hội thảo “Nghị viện các quốc gia trong việc phòng, chống mối đe dọa của chiến tranh mạng đối với hòa bình, an ninh thế giới” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp đưa ra thì tính trung bình ở Việt Nam có 128,3 triệu lượt người có kết nối mạng di động (141%); mỗi người sở hữu 1,4 thuê bao di động; có 24 triệu tài khoản mạng xã hội sử dụng bằng điện thoại (26%).
Ngoài mạng xã hội Facebook, ở Việt Nam cũng xuất hiện những mạng khác thu hút đông đảo các thành viên tham gia như Yahoo, Zalo, Zingme, Youtube, Viber….
Tuy nhiên, theo báo cáo của Kaspersky Lab (2) đưa ra gần đây, Việt Nam hiện đứng đầu top 10 quốc gia có khả năng nhiễm mã độc trên thế giới, xếp thứ 6 trong top 20 quốc gia có thể bị tấn công mạng nhiều nhất, đứng thứ 4/20 nước có nguy cơ bị lây nhiễm online cao nhất thế giới…
Mã độc đã được ghi nhận trong những cuộc tấn công có chủ đích tại các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các viện nghiên cứu, trường đại học… Các hình thức tấn công chủ yếu bằng hình thức thay đổi giao diện, bị chèn mã giả mạo các thương hiệu mạng internet, trong đó có cả mạng Facebook.
Mạng xã hội hiện đã trở thành không gian lý tưởng cho các thế lực thù địch và đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Có thể kể đến các loại hình cụ thể như:
Thứ nhất, tuyên truyền, phục vụ ý đồ xấu nhằm truyền bá những thông tin gây hiệu ứng đám đông để phục vụ các mục đích về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao; truyền bá ý thức hệ đối lập, tôn giáo cực đoan, kích động, gây mất ổn định chính trị tại một số quốc gia. IS gần đây cũng dùng mạng xã hội để tuyển mộ binh sỹ, kiểm soát truyền thông và liên lạc giữa các nhóm khủng bố với nhau.
Thứ hai, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” thông qua việc tài trợ, hậu thuẫn cho các tổ chức, phần tử chống đối sử dụng mạng xã hội để xuyên tạc, tuyên truyền chống chế độ; đòi “tự do, dân chủ, nhân quyền”.
Ở Việt Nam, một số thế lực thù địch đã sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động; phao tin, đặt điều vu cáo các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta (moi móc đời tư, đưa thông tin giả) nhằm bôi nhọ, làm mất uy tín của Đảng, bóp méo hình ảnh Việt Nam, gây nghi hoặc trong nhân dân.
Chúng che giấu danh tính thực sự của mình khỏi sự giám sát của các cơ quan chức năng. Các tổ chức phản động bên ngoài có thể cập nhật thông tin cá nhân của người dùng như địa chỉ email, số điện thoại, năm sinh, địa chỉ, bạn bè, người thân… để tiến hành hoạt động tuyên truyền, kích động chống đối.
Thứ ba, khai thác các nguồn tin trên mạng xã hội. Hệ thống các mạng xã hội là nguồn tin công khai vô cùng to lớn, phong phú, đa dạng, nhiều chiều, không bị kiểm duyệt, trong đó có nhiều thông tin bí mật bị lộ, nên chính phủ nhiều nước đã đầu tư nguồn lực khổng lồ vào các công nghệ theo dõi mạng xã hội.
Ở Mỹ có Trung tâm dữ liệu Ultah và phần mềm dữ liệu Big Data cho phép tự động theo dõi và đánh giá diễn biến tình hình trên hệ thống mạng xã hội toàn thế giới để đưa ra các cảnh báo sớm về an ninh.
Thứ tư, dùng điệp báo - tấn công mạng. Điệp báo mạng xã hội chủ yếu dựa vào khai thác các thông tin như các bài viết, hình ảnh, thông tin cá nhân, danh sách bạn bè trên các mạng xã hội.
Các cơ quan đặc biệt nước ngoài có khả năng định vị nhóm những cá nhân trong một cộng đồng nhất định cùng chia sẻ các quan điểm, thái độ và sở thích tiến tới xây dựng hồ sơ và tiến hành các biện pháp thu tin về đối tượng, nhóm đối tượng cần quan tâm như: mạo danh một người dùng để khai thác thông tin; tạo ra một hồ sơ giả mạo để câu nhử; xâm nhập máy tính và lấy cắp thông tin nhạy cảm, bí mật.
Thứ năm, hắc-cơ công nghệ cao. Cho đến nay tại Việt Nam đã có 93% người sử dụng Facebook thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc.
Các đối tượng xấu không chỉ quấy rối trên mạng xã hội mà còn có các hoạt động lừa đảo đối với người dùng mỗi tháng có thêm khoảng hơn 1.000 trang giả mạo Facebook được lập ra nhằm đánh cắp tài khoản của người sử dụng, các tài khoản đó sẽ được sử dụng để tiếp tục phát tán mã độc hoặc để lừa đảo… khiến an ninh mạng xã hội ngày càng trở nên “nóng”.
Và những giải pháp cần quan tâm…
Để đối phó với các nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin, nhiều giải pháp đã được các bộ, ngành có liên quan triển khai. Tuy nhiên, theo đánh giá với mức độ nguy cơ ngày càng lớn của vấn đề an toàn an ninh mạng, những cố gắng như vừa qua là chưa đủ. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa như:
Cần chủ động, tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho toàn dân thấy rõ tính hai mặt của mạng xã hội, nhất là mặt tiêu cực, tác động do âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam, tránh tình trạng vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống đối và các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa trên mạng xã hội.
Hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý, sử dụng mạng intrernet, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức và hành động đúng đắn cho mọi người khi tham gia mạng xã hội.
Cần đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng intrernet, cung cấp, cập nhật thường xuyên các thông tin, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước ta trên các báo điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch.
Xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội, không đăng tải hoặc để lộ, lọt thông tin, tài liệu liên quan đến bí mật quốc gia và các hành vi thiếu văn hóa, phản cảm trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Việt Nam.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, phổ biến giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới, nhất là các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng mạng intrernet. Tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ không để các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội để tác động “chuyển hóa” tư tưởng, kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật.
Quản lý, nắm chắc hơn nữa tình hình, trong việc sử dụng, hoạt động trên intrernet nói chung cũng như tham gia mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị nói riêng; kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý, ngăn chặn những hành vi tán phát các thông tin, hình ảnh… có nội dung tiêu cực, phản cảm và các biểu hiện lơ là, mất cảnh giác của viên chức khi tham gia trên mạng xã hội, tạo sự “miễn dịch” cho mọi người trước các tác động của mặt trái, tiêu cực trên mạng xã hội.
Chủ động tìm các biện pháp như: bóc gỡ các thông tin, tài liệu có nội dung phản cảm, sai quy định bị tán phát trên mạng xã hội; không để các đối tượng xấu lợi dụng chống phá, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của quốc gia, địa phương và đơn vị.
Chấp hành nghiêm các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin và Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ intrernet và thông tin trên mạng, nhất là 6 tội danh mà mọi công dân tham gia mạng xã hội cần phải biết để tránh vi phạm./.
--------------------------
Tài liệu tham khảo:
1.Xem Khoản 22, Điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng
2. Kaspersky Lab là một nhà cung cấp phần mềm bảo mật quốc tế hiện có trụ sở chính tại Nga và các văn phòng ở Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Rumani, Mỹ… Hiện nay, Kaspersky Lab là nhà sản xuất phần mềm chống virus, spam, hacker hàng đầu thế giới và đạt nhiều giải thưởng trong ngành công nghệ thông tin và báo chí.