Làm giàu bất chính – Ẩn chứa nguy cơ rửa tiền rất lớn

PV.

Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam hiện hành chưa có quy định tội danh hành vi làm giàu bất hợp pháp. Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để có thể phòng, chống các tội tham nhũng và rửa tiền nhằm thu hồi tài sản tham nhũng, tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình cụ thể để bổ sung tội danh này trong BLHS.

Việt Nam chưa quy định tội danh hành vi làm giàu bất chính

Điều 20 (Làm giàu bất hợp pháp) của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng quy định: Trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi Quốc gia thành viên sẽ áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác.

Mục đích nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất hợp pháp. Nghĩa là, việc tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy.

Ở nước ta, Bộ luật hình sự (BLHS) hiện hành tuy chưa quy định tội danh hành vi làm giàu bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật đã có một sốc quy định về các biện pháp phòng ngừa, góp phần phát hiện hành vi làm giàu bất hợp pháp, bao gồm:

- Khoản 3, Điều 2, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định “minh bạch tài sản, thu nhập là việc kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai và khi cần thiết được xác minh, kết luận”.

- Mục 4, Chương II, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 đã quy định rõ đối tượng phải kê khai tài sản, các loại tài sản phải kê khai, thủ tục kê khai, thủ tục xác minh tài sản kê khai, kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản và công khai kết luận đó, xử lý người kê khai tài sản không trung thực.

- Điều 53, Mục 4, Chương II, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định giao cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

- Điều 52, Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định xử lý người kê khai tài sản không trung thực: Người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Quyết định kỷ luật đối với người kê khai tài sản không trung thực phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó làm việc;

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai tài sản không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào chức vụ đã dự kiến.

- Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định trong Điều 33, Chương IV bốn chế tài hành chính đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, thiếu minh bạch là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương và hạ ngạch.

Có nên hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính?

Hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để có thể phòng, chống các tội tham nhũng và rửa tiền nhằm thu hồi tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, chúng ta cần xây dựng lộ trình cụ thể để bổ sung tội danh này trong BLHS.

Nếu luật hóa ngay sẽ có thể “bất khả thi” với đòi hỏi các công chức, viên chức phải chứng minh nguồn gốc thu nhập của họ. Nguyên nhân là do: Chúng ta đang thiếu công cụ pháp lý và hành chính để thực hiện việc kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn;

Hầu hết các giao dịch ở Việt Nam đã và đang được thực hiện không qua hệ thống ngân hàng; mô hình gia đình truyền thống trong đó tài sản không được chia tách cho từng cá nhân mà thuộc về tất cả các thế hệ trong gia đình đang; nguyên tắc ‘suy đoán vô tội’ cũng được viện tới như một lý lẽ cho việc không quy định này.

Như vậy, Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định khi chưa có các quy định pháp luật để xử lý tài sản của cá nhân khi không chứng minh được tính trái pháp luật của hành vi vi phạm hoặc phạm tội có liên quan đến tài sản đó.

Việc xác lập tội danh làm giàu bất hợp pháp, nghĩa là đảo ngược trách nhiệm chứng minh để cá nhân phải chứng minh tính hợp pháp đối với tài sản của họ.

Giới chuyên gia cho rằng, để xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp, Việt Nam có thể đưa ra 03 phương án như sau:

Phương án 1: Quy định tội danh làm giàu bất chính trong BLHS.

Theo đó, BLHS 1999 sẽ được bổ sung một điều luật quy định về Tội làm giàu bất chính. Nếu lựa chọn phương án này, thì Việt Nam cần có lộ trình cho quá trình thực hiện, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung liên quan đến hệ thống đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký;

Quy định cụ thể về các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt và đảm bảo việc thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thông tin về người nộp thuế; tăng cường quản trị hệ thống ngân hàng và tháo gỡ khó khăn liên quan đến quy định về bí mật ngân hàng…

Đồng thời, lộ trình cũng cần đủ dài để các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sở hữu hoặc áp dụng các biện pháp đảm bảo quyền sở hữu của mình đối với các tài sản hiện có và với khẳng định không áp dụng quy định này đối với những tài sản được hình thành trước khi BLHS (sửa đổi) có hiệu lực pháp luật.

Phương án 2: Quy định tội làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hoá hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình.

Nếu thực hiện phương án này, BLHS 1999 sẽ được bổ sung thêm 01 tội danh về kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.

Theo phương án này, thì quá trình thực hiện cũng sẽ có những thuận lợi nhất định khi có sự kết hợp giữa hoạt động xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cơ quan kiểm tra các cấp với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Việc phân biệt ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự có thể căn cứ vào giá trị tài sản, thu nhập kê khai hoặc giải trình không trung thực. Đồng thời, yếu tố này cũng cần được quy định trong cấu thành cơ bản như đề cập ở trên.

Bên cạnh đó, một số khó khăn khi thực hiện theo Phương án 1 cũng sẽ tương tự như đối với Phương án 2.

Phương án 3: Trước mắt chưa quy định tội làm giàu bất chính trong BLHS, mà chỉ xử lý về tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự.

Trường hợp các biện pháp đảm bảo thực hiện không mang tính khả thi hoặc nhận thức giữa các cơ quan còn nhiều khác biệt, đặc biệt là trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS, thì trước mắt chưa quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, thì việc xử lý đối với phần tài sản tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý cần phải được quy định.

Theo đó, căn cứ kết quả xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm, có quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Trường hợp kết luận người đó không trung thực, thì cơ quan đã ra quyết định xác định chuyển vụ việc sang viện kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự.

Đồng thời, cần bổ sung vào Luật Phòng chống tham nhũng quy định về việc tài sản tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý, thì bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu sung công quỹ nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của toà án.

Đặc biệt, việc tịch thu tài sản bất chính cũng không thay thế hoặc loại trừ quá trình điều tra, truy tố và xét xử đối với người không giải trình được về nguồn gốc tài sản tăng thêm, nếu họ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi tham nhũng khác có liên quan.