Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế: Doanh nghiệp chưa chú trọng

Theo daibieunhandan.vn

Nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào các nền kinh tế khu vực và thế giới. Cùng với cơ hội, doanh nghiệp Việt đã và đang đối mặt nhiều tranh chấp có tính quốc tế với các đối thủ cạnh tranh. Một trong nhiều giải pháp căn cơ giải quyết tranh chấp là dùng trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp Việt dường như còn bỏ ngỏ giải pháp này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Công cụ hữu hiệu cho doanh nghiệp

Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Phan Trọng Đạt cho biết, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho doanh nghiệp. Những thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, tỷ lệ tăng của số lượng tranh chấp trong nước cao hơn tỷ lệ tăng của số vụ tranh chấp nước ngoài. Trong khi đó, trọng tài là cơ chế giải quyết tranh chấp do doanh nghiệp sinh ra, quay trở lại phục vụ doanh nghiệp.

Khi sử dụng trọng tài, doanh nghiệp sẽ chủ động được một số yếu tố như: quyền chọn trọng tài (ra tòa thì không được quyền chọn), chọn ngôn ngữ, chọn luật phù hợp, chọn nơi tổ chức vụ giải quyết tranh chấp, thỏa thuận được thời gian giải quyết tranh chấp… tạo sự linh hoạt, phù hợp với sự tự do lựa chọn của các bên. Với nhiều quyền lựa chọn đó, hội đồng trọng tài phải đáp ứng. Và nhờ trọng tài có chuyên môn sâu, bảo đảm yếu tố độc lập, vô tư, giải quyết công bằng để các bên yên tâm về phán quyết.

Theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới đã có 600 vụ trọng tài đầu tư, chủ yếu là những nhà đầu tư từ các nước phát triển khởi kiện hơn 100 quốc gia. Trong đó, khoảng 35% vụ việc có kết quả có lợi cho nhà đầu tư và tỷ lệ về bồi thường rất thấp. Do vậy, các bên tham gia vào trọng tài thương mại có quyền tự do sử dụng trọng tài và khi các quốc gia đã ký kết Công ước New York thì nhà đầu tư hoàn toàn có căn cứ để sử dụng trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp về đầu tư với cả Chính phủ.

Bên cạnh đó, lợi ích của trọng tài đầu tư là thể hiện sự minh bạch trong đầu tư ở các nước đang phát triển. Chính phủ sẽ phải cẩn trọng hơn khi đối xử với nhà đầu tư nước ngoài và chú ý giữ đúng như cam kết đã ký kết và giúp thu hút nhà đầu tư nhiều hơn.

Nhận thức còn hạn chế

Được xem là giải pháp căn cơ để giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt còn chưa chú trọng đến giải pháp này. Thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy, trong những năm gần đây, số vụ tranh chấp tại VIAC tăng đều đặn qua từng năm.

Trong năm 2015, tổng số vụ tranh chấp là 146 vụ, tăng 18% so với năm 2014. Các lĩnh vực tranh chấp trở nên đa dạng và phức tạp, tuy nhiên, thời gian giải quyết tranh chấp tại VIAC luôn giữ ổn định ở mức trung bình 6 tháng và có xu hướng giảm dần. Trong năm 2015, có 2 vụ tranh chấp được giải quyết trong thời gian dưới 30 ngày. Đặc biệt, có tới 2/3 số vụ giải quyết tranh chấp tại VIAC liên quan đến thương mại.

Từ năm 2010 trở lại đây, xu hướng các vụ việc giải quyết bằng trọng tài với số lượng lớn hơn, lớn từng năm, thay thế cho giải quyết bằng tòa án. Tuy nhiên, do nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) về còn hạn chế, do thiếu thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, thiếu người hướng dẫn, tư vấn về luật pháp quốc tế, trọng tài quốc tế. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp khi DNVN đi kiện những sự vụ có tính quốc tế thì thường bỏ lơ trọng tài quốc tế, đến khi có phán quyết xảy ra thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Theo đại diện Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF - Hồng Đức), nhận thức của doanh nghiệp trong nước về trọng tài quốc tế vẫn còn hạn chế hơn các doanh nghiệp nước ngoài, bởi vì cơ chế giải quyết bằng trọng tài còn khá mới mẻ. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước cần thúc đẩy năng lực doanh nghiệp để sử dụng trọng tài quốc tế khi giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả.

Tổng Thư ký VIAC Vũ Ánh Dương cho rằng, các hoạt động thương mại và đầu tư ở Việt Nam đang nở rộ, với sự hiện diện của các nhà đầu tư đến từ hơn 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Hiện tại, môi trường đầu tư, kinh doanh, khung pháp lý của Việt Nam đang cải thiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày một tăng của thời kỳ hội nhập, hướng đến việc tạo ra môi trường hấp dẫn cho hoạt động đầu tư và kinh doanh. Tuy nhiên, việc tăng cường nhận thức của doanh nghiệp trong sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp là việc rất cần thiết.