Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”:

Cuộc cải cách đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu


Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được kỳ vọng sẽ mang lai cuộc cải cách đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Trung Đức - Học viện Tài chính xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu hiện được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông, việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp?

TS. Hoàng Trung Đức
TS. Hoàng Trung Đức

TS. Hoàng Trung Đức. Công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã có những kết quả nhất định tuy nhiên vẫn còn những tồn tại về trình tự, thủ tục và phương pháp kiểm tra. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu nói riêng và các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, bởi vì các doanh nghiệp có mối quan hệ khá chặt chẽ với nhau.

Công tác kiểm tra chuyên ngành còn thực trạng về trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp giữa quy định và thực tế triển khai của các bộ, ngành, còn những quy định chưa phù hợp về phương thức kiểm tra. Hàng hóa kiểm tra với thời gian kéo dài về thủ tục làm cho doanh nghiệp khó khăn trong việc đưa hàng hóa vào sản xuất kinh doanh, gây ra tốn kém chi phí cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp về mức độ sinh lời. Có danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đầy đủ dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của doanh nghiệp.

Đề án được cho là một cuộc cách mạng trong hoạt động xuất nhập khẩu, mang lại lợi ích rất lớn cho doanh nghiệp, ông nhận xét gì về điều này?

Đề án này mang lai cuộc cải cách đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều lợi ích cho doanh nghiệp đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện kiểm tra sẽ giảm thiểu nhiều chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình kiểm tra. Việc thực hiện đề án này sẽ giúp cắt giảm số lô hàng cần phải kiểm tra làm giảm thiểu chi phí thương mại cho phép kinh doanh sản xuất hiệu quả hơn và khuyến khích tăng trưởng đặc biệt là đối với các nhà sản xuất và nhà phân phối, thúc đẩy xuất khẩu và tăng sản lượng cuối cùng, mang lại nhiều cơ hội hơn cho nền kinh tế.

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Tài chính?

Với việc mở rộng đối tượng miễn kiểm tra sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Việc mở rộng đối tượng miễn kiểm tra giúp đem lại những lợi ích về cắt giảm thủ tục, chi phí, thời gian và sẽ nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, đảm bảo vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước thông qua việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo mô hình mới việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro được thực hiện sâu rộng và thực chất trong quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nói chung, hàng hóa phải quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nhập khẩu nói riêng. Đối với những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu, những lô hàng không có rủi ro sẽ được hưởng chế độ ở mức đơn giản nhất, thời gian thông quan nhanh nhất, chi phí thấp.

Để bảo đảm Đề án được triển khai thành công, theo ông, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?

Để đề án được đảm bảo triền khai thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và khu vực tư, giữa các bộ, ban ngành và hiệp hội các doanh nghiệp. Điều này đảm bảo cho việc khi đề án được triển khai vào thực tiễn được hiểu và thống nhất thực hiện một cách hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan Nhà nước cần rà soát lại các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra để tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong việc thực thi.

Trân trọng cảm ơn ông!