Giảm đáng kể tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố

Bảo Thương

Năm 2022, thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2025, KBNN các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, hướng tới mục tiêu xây dựng kho bạc “không tiền mặt”. Nhờ đó, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt tại KBNN các tỉnh, thành phố đã có tín hiệu giảm đáng kể, góp phần cùng hệ thống KBNN hoàn thành các chỉ tiêu đề ra tại Đề án.

Hầu hết KBNN các tỉnh, thành phố đã không còn tồn quỹ tiền mặt tại kho.
Hầu hết KBNN các tỉnh, thành phố đã không còn tồn quỹ tiền mặt tại kho.

Là một trong những đơn vị đạt kết quả tích cực trong triển khai Đề án, KBNN Bắc Giang cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh để thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng ngân sách nhà nước trong thanh toán không dùng tiền mặt…

Nhờ đó, khối lượng tiền mặt giao dịch tại KBNN Bắc Giang đã giảm nhiều so với năm trước. Số thu ngân sách bằng tiền mặt tại các đơn vị trực thuộc KBNN Bắc Giang là 28 tỷ đồng, giảm 103 tỷ đồng so với năm 2021. Đặc biệt, cho đến thời điểm này, tại KBNN Bắc Giang và một số KBNN huyện trực thuộc đã không còn giao dịch tiền mặt.

Phó Giám đốc KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu Trịnh Thị Loan cho biết, KBNN Bà Rịa – Vũng Tàu xác định đây là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, trong đó, điều kiện tiên quyết bắt buộc là giảm dần tỷ lệ thu, chi bằng tiền mặt qua KBNN và tiến tới hình thành kho bạc không có tiền mặt.

Chính vì thế, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động tuyên truyền, vận động các đơn vị giao dịch hạn chế rút tiền mặt tại trụ sở KBNN, nhất là đối với các tài khoản chi nhỏ lẻ. Khi có nhu cầu chi tiêu bằng tiền mặt sẽ thực hiện rút tiền tại ngân hàng thương mại có kết nối thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu trên cơ sở các khoản chi đã được các đơn vị KBNN kiểm soát chi đảm bảo đúng chế độ quy định đối với các khoản chi được phép chi bằng tiền mặt.

Nhờ đó, số chi tiền mặt tại các trụ sở của hệ thống KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm đáng kể, chỉ còn chiếm 0,3% so với tổng số chi thường xuyên NSNN và chi đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, KBNN Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn để mở rộng các điểm thu NSNN. Số thu bằng tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN chỉ còn 0,9% trong tổng thu NSNN trên địa bàn, chủ yếu là các khoản thu từ các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ không có tài khoản tại ngân hàng; thu phạt vi phạm hành chính...

Triển khai Đề án từ rất sớm, KBNN Cam Ranh (Khánh Hòa) đã xác định công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua công tác ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi tiền mặt qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tập trung và quyết tâm thực hiện. Tính đến tháng 10/2022, KBNN Cam Ranh đã không còn tồn quỹ tiền mặt tại kho.

Đại diện KBNN Cam Ranh chia sẻ: “TP. Cam Ranh có 15 đơn vị hành chính xã phường thì đã đạt 14/15 đơn vị xã chuyển lương qua tài khoản ngân hàng còn 1 đơn vị xã đảo do điều kiện cơ sở hạ tàng còn hạn chế vì thế chưa được chuyển qua tài khoản ngân hàng. Đối với lực lương vũ trang thì 100% đơn vị đã chuyển lương qua tài khoản thẻ cho sỹ quan, chiến sỹ và công nhân viên quốc phòng điều này đã làm giảm mạnh áp lực về giao dịch tiền mặt tại KBNN Cam ranh rất nhiều, giảm thiểu rủi ro và làm tăng tính thanh khoản bằng tiền lên rất nhanh chóng. Đặc biệt trong 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19 thì việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã mang lại hiệu quả cao, nhanh chóng, thuận tiện cho người dân khi giao dịch.”

Tại KBNN TP. Hồ Chí Minh, với sự tích cực vào cuộc của các đơn vị KBNN, tỷ lệ số thu không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đạt trên 99% trong tổng số thu ngân sách qua KBNN. Số chi ngân sách nhà nước không dùng tiền mặt chiếm gần 99% tổng chi qua KBNN.

Đặc biệt, đại diện KBNN TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc tăng cường ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước và ủy nhiệm chi tiền mặt qua các hệ thống ngân hàng thương mại đã giúp giảm thiểu khối lượng công việc thu, chi tiền mặt tại các đơn vị KBNN, giảm chi phí vận chuyển, kiểm đếm, cất giữ tiền mặt.

Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai Đề án, thời gian tới, KBNN các tỉnh, thành phố cùng toàn hệ thống KBNN sẽ tiếp tục hoàn thiện nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng hệ thống thanh toán, đảm bảo kết nối, tích hợp liên thông với hạ tầng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của các ngân hàng thương mại. Kết nối hạ tầng cơ quan thuế, hải quan để đẩy mạnh yêu cầu phối hợp trong thu, chi ngân sách nhà nước bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tiến tới tăng cường thu, chi bằng hình thức điện tử.