Tiếp tục giảm giao dịch bằng tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước

Gia Hân

Chiều ngày 27/12/2022, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức họp báo chuyên đề về kết quả công tác trọng tâm năm 2022 của hệ thống KBNN.

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN phát biểu tại buổi họp báo.
Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN phát biểu tại buổi họp báo.

Tập trung nhanh các khoản thu, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN cho biết, năm 2022, hệ thống KBNN đã cơ bản hoàn thành tốt và toàn diện những nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho KBNN.

Thông tin về kết quả công tác năm 2022, ông Lê Văn Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (KBNN) cho biết, năm 2022, bám sát dự toán thu NSNN, hệ thống KBNN đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thu. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách; cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ công tác điều hành thu ngân sách.

Nhờ đó, tính đến hết ngày 20/12/2022, lũy kế thu NSNN trong cân đối đạt 1.727.511 tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao. Trong đó,  thu ngân sách trung ương đạt 121,48% so với dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 123,35% so với dự toán.  

Đối với công tác kiểm soát chi, Phó Vụ trưởng Lê Văn Khoa cho hay, đối với chi thường xuyên, tính đến hết ngày 20/12/2022, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 895.195 tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán. Đối với chi đầu tư, tính đến ngày 20/12/2022, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN là 403.160,6 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trình bày báo cáo tại buổi họp báo.
Ông Lê Văn Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế trình bày báo cáo tại buổi họp báo.

Theo ông Lê Văn Khoa, thời gian qua, hệ thống KBNN đã duy trì cung cấp 100% thủ tục qua Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4; 100% các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc đã tham gia DVCTT (khoảng 97.000 đơn vị); hoạt động giao dịch với KBNN 24/7, số lượng chứng từ chi NSNN phát sinh hàng tháng đạt trên 99%, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 giao dịch.

“Việc áp dụng Hệ thống DVCTT giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn. Hệ thống DVCTT cũng đã thể hiện tính ưu việt, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn ra, trở thành phương thức giao dịch chính giữa KBNN với các đơn vị sử dụng ngân sách với số giao dịch qua DVCTT ngày càng tăng”,  Phó Vụ trưởng Lê Văn Khoa nhấn mạnh.

Thông tin thêm tại buổi họp báo về công tác kiểm soát chi, ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho biết, thời gian qua, KBNN đã thực hiện 100% hệ thống DVCTT vào công tác kiểm soát chi, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm thời gian trong xử lý hồ sơ để tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách và chủ đầu tư, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi phát biểu tại buổi họp báo.
Ông Trần Mạnh Hà – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi phát biểu tại buổi họp báo.

“KBNN cũng đã xây dựng đề án thanh toán tự động; thực hiện kết nối dữ liệu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đấu thầu điện tử; liên kết với đơn vị sử dụng ngân sách về kết nối dữ liệu… Có thể nói, thủ tục hành chính của KBNN được cải cách rõ rệt. Đối với trường hợp tạm ứng, KBNN đã gửi thêm bảo lãnh tạm ứng tiền ngân sách với hồ sơ đơn giản. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát cũng có những trường hợp bảo lãnh không đúng quy định dẫn đến từ chối thanh toán.”, ông Trần Mạnh Hà chia sẻ.

Phát hành trái phiếu chính phủ đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ cho biết (KBNN) cho biết, nhằm đảm bảo an toàn, bền vững nợ công theo chủ trương của Đảng và Quốc hội, KBNN đã phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) theo kế hoạch. Khối lượng phát hành đáp ứng nhu cầu bù đắp bội chi và trả nợ gốc đến hạn của ngân sách trung ương, phù hợp với khả năng thu của ngân sách trung ương và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, duy trì hoạt động của thị trường TPCP.

Bên cạnh đó, KBNN tập trung phát hành TPCP kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP. Đến hết ngày 20/12/2022, KBNN đã huy động được 203.222 tỷ đồng. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân 12,67 năm; Lãi suất phát hành TPCP bình quân 3,41%/năm và kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,09 năm, phù hợp với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ trả lời phóng viên báo chí về công tác huy động vốn.
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ trả lời phóng viên báo chí về công tác huy động vốn.

Theo ông Lưu Hoàng, năm 2022 tình hình thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch huy động vốn. Vì vậy, KBNN đã thường xuyên báo cáo Bộ Tài chính về một số giải pháp phát hành khối lượng TPCP phù hợp để giảm lãi suất, nhờ vậy, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách trung ương. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, thường xuyên đánh giá nhu cầu vay nhằm đảm bảo nhu cầu chi ngân sách theo quy định.

Bà Trần Thị Huệ - Phó Tổng Giám đốc KBNN chia sẻ, trong bối cảnh huy động vốn còn nhiều khó khăn, KBNN đã chủ động báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh khối lượng huy động vốn so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, KBNN cũng sử dụng ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách trung ương vay với mức lãi suất phù hợp.

“KBNN cũng phải cân đối khoản cho vay vì ngân quỹ nhà nước đã có mục tiêu chi, chỉ tạm thời nhàn rỗi trong thời gian ngắn nên không thể cho vay kỳ hạn dài. KBNN đã đảm bảo cho vay hài hoà với kỳ hạn hợp lý nhất”, Phó Tổng Giám đốc KBNN Trần Thị Huệ nhấn mạnh.

Đề án thanh toán không dùng tiền mặt đạt nhiều kết quả quan trọng

Thông tin về Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN được nhiều phóng viên quan tâm, ông Lê Hùng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế cho hay, mục tiêu cục thể của Đề án là phấn đấu đến cuối năm 2025, về cơ bản không còn giao dịch chi bằng tiền mặt tại KBNN và tiếp tục giảm các giao dịch thu bằng tiền mặt tại KBNN.

Ông Lê Hùng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế chia sẻ về đề án không dùng tiền mặt.
Ông Lê Hùng Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế chia sẻ về đề án không dùng tiền mặt.

Trong năm 2022, đề án này bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách đã hoàn thiện; hệ thống hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng liên thông; số thu NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,16% so với tổng thu qua KBNN (giảm 0,17% so với năm 2021); số chi NSNN bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN chiếm 0,36% so với tổng chi qua KBNN (giảm 0,27% so với năm 2021)...

Chia sẻ về lợi ích của Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Hùng Sơn cho biết, thực hiện phương thức thanh toán này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian; đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý. Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, lợi ích của phương thức này càng thể hiện rõ khi các đơn vị không phải đến giao dịch trực tiếp.

“Đề án thanh toán không dùng tiền mặt chính là xu thế hiện nay, góp phần cùng ngành Tài chính chuyển đổi số thành công. Sở dĩ đề án được triển khai thuận lợi là do nền tảng cơ sở công nghệ thông tin của KBNN hiệu quả, các cán bộ trong toàn hệ thống làm việc trách nhiệm tâm huyết... Đặc biệt là nhận thức của người dân đã có sự thay đổi.”, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp – Pháp chế Lê Hùng Sơn khẳng định.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn, thách thức trong triển khai Đề án, tuy nhiên, trong thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN, phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2025 như đã đề ra.

 

Thông qua công tác kiểm soát chi thường xuyên NSNN, hệ thống KBNN đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong công tác kiểm soát chi đầu tư, hệ thống KBNN đã phát hiện 90.932 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương với 60,1 tỷ đồng.