Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:
Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong điều hành, quản lý giá
Tại cuộc họp bàn giải pháp chỉ đạo điều hành giá ngày 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong quản lý, điều hành giá, nhất là đối với 3 mặt hàng điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong những tháng qua, giá cả các mặt hàng trong nước chịu nhiều áp lực, nhưng vẫn diễn biến theo kịch bản đề ra. Hàng năm theo quy luật, những tháng đầu năm tăng và giảm dần vào tháng 4, tháng 5/2024.
CPI so với tháng 12 tăng 1,24%, so với tháng 12/2023, CPI tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân CPI 5 tháng đầu năm 2024 tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, trước những áp lực điều hành lạm phát trong thời gian tới là rất lớn, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là trong điều hành, quản lý giá.
Đặc biệt, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo vẫn biến động phức tạp; việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý; tỷ giá giữa VND và USD tăng cao làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tăng mạnh... Các yếu tố này đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong quản lý, điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản chỉ đạo điều hành và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại các Thông báo kết luận họp Ban Chỉ đạo định kỳ.
Nêu giải pháp cụ thể, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá lưu ý, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới.
Đồng thời, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4% - 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội.
Định hướng cụ thể hơn về công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Nhấn mạnh cần có lộ trình đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương hết tháng 6 phải có kịch bản điều hành giá, trong đó có thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng: giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trên cơ sở đề xuất, Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến.
“Không đảm bảo thời gian và nếu để tác động đến CPI, các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.