Giám sát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại: Huy động người dân tham gia
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá, yêu cầu đặt ra đối với công tác giám sát phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại là cùng với việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, lấp kín kẽ hở mà các đối tượng buôn lậu có thể lợi dụng, thì cuộc chiến này còn đòi hỏi sự ủng hộ, góp sức của nhân dân.
Phải rõ mức xử lý
Qua các cuộc làm việc tại An Giang và Tây Ninh, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải làm Trưởng đoàn, nhận thấy, nhìn chung, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được địa phương quan tâm, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Qua đó, đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị lớn, góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, báo cáo tại hai địa phương cũng cho thấy, hoạt động buôn lậu trên địa bàn diễn biến phức tạp, dẫn tới việc hàng giả, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào thị trường nội địa. Nguyên nhân một phần là do Tây Ninh và An Giang có đường biên giới trên bộ dài, bằng phẳng và nhiều kênh rạch, đường mòn, lối mở thông qua biên giới; trong khi lực lượng chức năng mỏng về số lượng và phương tiện kỹ thuật nên khó kiểm soát chặt chẽ.
An Giang có gần 100km đường biên giới giáp hai tỉnh (Kandal và Takeo) của Campuchia với 5 cửa khẩu. Tây Ninh có đường biên giới khoảng 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn. Lợi dụng điều kiện thuận lợi đó, các đối tượng buôn lậu không ngừng tìm mọi cách tuồn hàng lậu vào Việt Nam tiêu thụ, nổi lên là đường cát và thuốc lá điếu.
Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Do cơ chế, chính sách hay tình trạng tiêu cực ngay trong lực lượng thực thi nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu?
Lý giải cho vấn đề này, đại diện nhiều cơ quan chức năng của Tây Ninh và An Giang cho biết, có nguyên nhân do hệ thống chính sách, pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, thiếu cụ thể; một số văn bản chậm được thay đổi, bổ sung, đáp ứng đòi hỏi của tình hình thực tế. Cụ thể, Nghị định 124 của Chính phủ quy định: Nếu mua bán, vận chuyển, tàng trữ trên 500 gói thuốc lá thì phải chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Nhưng, theo hướng dẫn tại Công văn số 06 của Tòa án Nhân dân Tối cao, thì chỉ xem xét, xử lý hình sự đối với người mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu với định lượng từ 100 triệu đồng trở lên (căn cứ cho hướng dẫn này là Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, có quy định “sản phẩm thuốc lá” thuộc danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, không phải là hàng cấm kinh doanh).
Chính bất cập này đang làm giảm hiệu quả trong phòng, chống buôn lậu của các lực lượng chức năng. Do vậy, cần sớm có quy định thống nhất, cụ thể phân định ranh giới rõ ràng mức xử lý vi phạm hành chính và hình sự, không để kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng.
Khởi tố hình sự hơn 1% số vụ buôn lậu
Một thực tế nữa được chỉ ra qua giám sát, đó là công tác phòng, chống buôn lậu tại hai địa phương mới chủ yếu tập trung vào những cá nhân vận chuyển nhỏ lẻ, cửu vạn. Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) Đỗ Mạnh Hùng, con số hơn 1% số vụ buôn lậu bị khởi tố hình sự là rất ít.
Câu hỏi đặt ra là, thực tế trên địa bàn có tồn tại các băng nhóm, đường dây buôn lậu lớn mà các đơn vị chức năng chưa đủ năng lực phát hiện, xử lý, hay có liên quan gì đến vấn đề đạo đức công vụ, lợi ích ở đây không? Vì rằng, thực tế giám sát tại An Giang và Tây Ninh cho thấy, các lực lượng chức năng mới rượt đuổi những đối tượng vận chuyển thuê hàng hóa qua biên giới chứ chưa bắt được các đầu nậu.
Nếu chỉ giải quyết “phần ngọn” như vậy, mà không đi từ “gốc” sẽ khó có chuyển biến rõ nét trong phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, thẩm lậu các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm vào thị trường nội địa.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Hiển, dường như việc ứng xử đối với buôn lậu của chính quyền địa phương chưa thực sự tích cực và người dân tại các vùng biên giới có vẻ còn thờ ơ với buôn lậu.
Phải chăng các địa phương chưa dựa vào người dân - lực lượng giám sát tích cực và hiệu quả? Vì rằng, nếu không dựa vào dân thì với đường biên giới dài, thẳng và rộng như An Giang, hay Tây Ninh, thì dù lực lượng có đông đảo hơn nữa cũng khó có thể phòng, chống buôn lậu hiệu quả.
Từ góc nhìn thực tiễn, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, năm 2016, MTTQ tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, trực tiếp xuống 20 xã biên giới mời dân đến họp để tuyên truyền, vận động; đồng thời dẫn chiếu luật để người dân hiểu, không chứa chấp các đối tượng buôn lậu chạy trốn khi lực lượng chức năng kiểm tra, truy đuổi.
Tuy nhiên, nhìn chung để thay đổi được nhận thức người dân cũng không thể ngày một, ngày hai, đòi hỏi có quá trình vận động lâu dài, bền bỉ. Bởi rõ ràng, việc làm ngơ, hoặc vài lần tham gia vận chuyển hàng lậu qua biên giới, gắn ngay với lợi ích của họ, có khi bằng tiền công làm lụng cả tháng trời. Ngoài ra, đầu nậu cũng có rất nhiều hình thức lôi kéo người dân nghèo tham gia. Do đó, một khi đã tham gia người dân dứt ra rất khó…
Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cùng với việc hoàn thiện chính sách, pháp luật thì việc tuyên truyền, giáo dục cho người dân nghèo trên địa bàn là rất quan trọng. Cần sự phối hợp giữa địa phương với các Tổng cục Dạy nghề để đào tạo, giúp người dân có công ăn việc làm ổn định. Nếu cư dân khu vực biên giới chưa có việc làm, thu nhập tốt thì rất khó để vận động họ không tham gia vận chuyển hàng lậu.