Giám sát tài chính các doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Công Thương đã ban hành quy chế giám sát tài chính đối với các tập đoàn, tổng công ty, Công ty TNHH một thành viên, Công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, nội dung giám sát tài chính bao gồm: giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, trong đó có hoạt động đầu tư tài sản tại doanh nghiệp; việc huy động vốn và sử dụng vốn huy động; phát hành trái phiếu, cổ phiếu (nếu có); hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; việc quản lý tài sản, công nợ phải thu, công nợ phải trả, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.

Đồng thời, giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, trong đó có các nội dung về chi phí tiền lương, thu nhập của người lao động, người quản lý điều hành doanh nghiệp.

5 phương thức giám sát tài chính

Quyết định nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện giám sát tài chính đối với Công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty, công ty TNHH một thành viên và Công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Công Thương làm chủ sở hữu bằng việc kết hợp các phương thức giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong và giám sát sau.

Giám sát tài chính được thực hiện theo kế hoạch giám sát hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Kế hoạch giám sát hàng năm đối với các doanh nghiệp do Bộ Công Thương lập và thông báo cho doanh nghiệp vào quý I hàng năm.

Định kỳ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty TNHH một thành viên, Công ty cổ phần lập báo cáo giám sát tài chính gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo quy định.