Giảm số lượng để nâng “sức khỏe“
Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới không cần số lượng nhiều mà phải đảm bảo “sức khoẻ” tốt để tiếp tục phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục giảm số lượng ngân hàng xuống.
Gần 7 năm sau khi thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), số lượng ngân hàng đến nay đã giảm mạnh từ 42 xuống còn 34 ngân hàng thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng ngành ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, ở giai đoạn 2, yếu tố then chốt là nâng cao chất lượng tài sản, hệ số tài chính, nhất là quy mô tổng tài sản nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Chỉ nên duy trì 20 ngân hàng?
Trên thực tế, trong số 34 ngân hàng hiện đang hoạt động, ngoài 4 ngân hàng nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank được xếp vào nhóm ngân hàng lớn, HDBank, ABBank, LienVietPostBank, Sacombank, SCB, SHB, ACB, Eximbank, Maritime Bank, Techcombank được xếp vào nhóm ngân hàng trung bình, có vốn từ 10.000 đến 20.000 tỷ đồng. Còn lại là 16 ngân hàng có vốn dưới 10.000 tỷ đồng, trong đó còn 8 ngân hàng từ 5.000 tỷ đồng trở xuống.
Theo quan điểm của một chuyên gia ngân hàng, từ nay đến năm 2020, cần thiết phải sắp xếp hệ thống ngân hàng ngày càng gọn gàng hơn, có thể số lượng chỉ nên duy trì dưới 20 ngân hàng với quy mô lớn.
Ông Keith Pogson, lãnh đạo Ernst & Young (EY) phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng trong giai đoạn tái cấu trúc nên quan tâm đến “sức khỏe” ngân hàng hơn là số lượng. Thời gian qua, Việt Nam đã làm khá tốt việc sáp nhập ngân hàng yếu kém như thương vụ Southern Bank và Sacombank.
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, có thể cần một cuộc sáp nhập 2 ngân hàng nhà nước với nhau hoặc một ngân hàng vốn nhà nước với một trong 4 đơn vị cổ phần ở top đầu… để có khoảng 6-7 ngân hàng là trụ cột trong tương lai, mang tầm cỡ khu vực nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu trên thị trường tài chính quốc tế.
Theo ông Keith Pogson, kinh nghiệm cho thấy hệ thống ngân hàng tại hầu hết các nước phát triển khá gọn gàng như Nhật Bản, Australia chỉ có 3-4 ngân hàng trụ cột.
Hay như một số nước trong khu vực là Indonesia, Thái Lan… cũng đang quyết liệt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó mục tiêu hàng đầu là cắt giảm số lượng ngân hàng. “Thực tế đã chứng minh rằng các ngân hàng lớn thì khả năng có thể chịu được cú sốc khủng hoảng tốt hơn”, ông Keith Pogson nói.
Tuy vậy, cũng có ý kiến khác. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng không nên quá cứng nhắc áp đặt số lượng ngân hàng. Nếu như trong hệ thống có 30 ngân hàng mà tất cả đều hoạt động lành mạnh, cạnh tranh tốt thì không có vấn đề gì.
“Các ngân hàng quy mô lớn mà “sức khỏe” không tốt, chất lượng dịch vụ không cao thì cũng không bằng ngân hàng quy mô nhỏ mà hoạt động hiệu quả. Vì thế, quan trọng là các ngân hàng phải nâng cao năng lực, quản trị, đảm bảo “sức khỏe” tốt để phát triển”, ông Lực phân tích.
Đẩy mạnh tái cơ cấu các TCTD
Hiện nay, ngành ngân hàng đang thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 (2016-2020), trong đó Chính phủ chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các TCTD bằng cách khuyến khích M&A các ngân hàng nhỏ, các TCTD nhỏ vào các ngân hàng lớn.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đối với các TCTD yếu kém đang được kiểm soát đặc biệt như Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng…, theo quy định của Luật TCTD mới sửa đổi, sẽ mua bán, sáp nhập hoặc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng này trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 ngày 8/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ, tới đây, Chính phủ sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Trước đó, thông tin từ NHNN cho biết, một trong 3 ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng đã có nhà đầu tư nước ngoài mua lại và đang trong giai đoạn 2 của quá trình mua bán. Ngoài ra, rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước quan tâm đến hai ngân hàng còn lại.
Không chỉ có các ngân hàng yếu kém phải sáp nhập, một số “ông lớn” nhà nước tới đây cũng sẽ cổ phần hóa và thoái vốn.
Cụ thể, dự kiến Agribank có lộ trình IPO vào năm 2019. Với BIDV và Vietcombank, Chính phủ có chủ trương bán bớt vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
“Hiện, chúng tôi đã có những thương thảo với các ngân hàng và đối tác quan tâm đến thương vụ này”, Phó Thủ tướng thông tin.
Ngoài ra, hiện có khoảng 36-38 công ty tài chính của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, trong đó một số công ty hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ giao cho NHNN xây dựng phương án tái cơ cấu bao gồm cả phương án bán vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để trình Chính phủ xem xét quyết định.