Điều hành chính sách tiền tệ sẽ thận trọng hơn
Nhìn lại cách thức điều hành 7 tháng đầu năm và trong những năm gần đây, TS. Võ Trí Thành đánh giá, quan điểm điều hành của NHNN “trọng số” ổn định cao. Do vậy, các chính sách NHNN đưa ra tuy khá linh hoạt nhưng vẫn rất thận trọng.
Ưu tiên ổn định
Mặc dù, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7/2018 giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, sức ép lạm phát những tháng cuối năm sẽ lớn hơn khi giá dầu thô, giá hàng hoá trên thị trường, tỷ giá có xu hướng tăng… Trước bối cảnh này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng mục tiêu ổn định vĩ mô cần được ưu tiên nhất. Theo ông Nghĩa, chủ trương của Chính phủ vẫn quyết tâm giữ ổn định lãi suất, tỷ giá, hoặc nếu xảy ra biến động thì mức độ điều chỉnh không đáng kể, đồng thời áp dụng một số biện pháp kiểm soát lạm phát, tín dụng chặt chẽ hơn.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tinh thần chung trong điều hành của Chính phủ trong thời gian tới là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Để đạt mục tiêu này Thủ tướng cho hay sẽ không thay đổi các chính sách kinh tế tài chính trong năm 2018, không điều chỉnh một số loại hàng hoá, dịch vụ công như giá điện, kiểm soát chặt giá dịch vụ y tế.
Nhìn lại cách thức điều hành 7 tháng đầu năm và trong những năm gần đây, TS. Võ Trí Thành đánh giá, quan điểm điều hành của NHNN “trọng số” ổn định cao. Do vậy, các chính sách NHNN đưa ra tuy khá linh hoạt nhưng vẫn rất thận trọng. Điều đó thể hiện rõ, trước áp lực cung tiền tăng nhanh trong tháng đầu năm khi mà một lượng khá lớn tiền đồng được tung ra để mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối, NHNN đã liên tục hút bớt tiền đồng thông qua phát hành tín phiếu trên thị trường mở.
Còn trong bối cảnh tỷ giá đang chịu nhiều sức ép như hiện nay, NHNN cũng đã sử dụng đồng bộ các công cụ của chính sách tiền tệ (CSTT) đặc biệt là thị trường mở để giải tỏa bớt áp lực này. Theo đó, trong một tháng trở lại đây, NHNN đã mở rộng thêm các kỳ hạn tín phiếu để hút bớt tiền về. Đặc biệt, từ đầu tuần qua có phiên NHNN đã chào thầu khối lượng tín phiếu lên tới 34 nghìn tỷ đồng chia cho 4 kỳ hạn, trong đó có kỳ hạn dài lên tới 140 ngày. Đây cũng là kỳ hạn dài nhất được triển khai trong nhiều năm qua.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vẫn duy trì đà tăng sau khi lập đáy tại mức 0,67% vào hôm 27/6/2018. Kể từ đó đến nay, chỉ có một vài phiên giảm nhẹ, còn lại, lãi suất qua đêm trên thị trường 2 duy trì đà tăng liên tục. Đến ngày 2/8, lãi suất qua đêm giao dịch ở mức 2,07%. Các kỳ hạn khác cũng có diễn biến đi lên tương tự. Việc mặt bằng lãi suất VND duy trì một độ chênh hợp lý so với lãi suất USD đã củng cố thêm vị thế cho VND, giảm thiểu tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng cùng với áp lực lạm phát ở mức cao, cầu vốn trong những tháng cuối năm tăng cao hơn khiến cho các ngân hàng đã rục rịch phải tăng lãi suất huy động. Điển hình như VIB, trong tháng 6 và tháng 7/2018, ngân hàng này đã hai lần điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi cả kỳ ngắn hạn và trung hạn. Trong đó kỳ hạn 1-2 tháng tăng mạnh đến 0,4%/năm; kỳ hạn ba tháng tăng 0,3%/năm và kỳ hạn từ 6-11 tháng tăng 0,1%/năm. Tuần vừa qua, VPBank và Eximbank cũng nối gót điều chỉnh tăng lãi suất huy động trên thị trường.
Mặc dù vậy, nhưng TS. Võ Trí Thành cho rằng, mức điều chỉnh khá thấp và diễn biến này đã được dự báo ngay từ đầu năm khi kinh tế toàn cầu trở nên bất định hơn. “Tôi nghĩ rằng, thị trường cũng hiểu là áp lực lạm phát, tỷ giá, việc lãi suất có điều chỉnh tăng để bảo vệ giá trị đồng VND là điều chấp nhận được và khó có thể tránh khỏi”, TS. Thành nhìn nhận.
Thận trọng hơn trong điều hành chính sách
Lãi suất tăng nhẹ, tín dụng vẫn đang theo hướng kiểm soát chặt tay hơn so với năm trước, cung tiền giảm... Theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa diễn biến trên phát đi thông điệp nhà điều hành là sẽ tiếp tục điều hành CSTT một cách hết sức thận trọng. Sự thận trọng này là hoàn toàn cần thiết xét trong bối cảnh thị trường thế giới đang có nhiều bất định như hiện nay: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung...; trong khi lạm phát trong nước có nguy cơ tăng cao.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp mới đây của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành CSTT linh hoạt, thận trọng. Điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, đảm bảo thanh khoản thông suốt. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản năm 2018 khoảng 1,6%.
Vào giữa tháng 6 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng khuyến nghị Việt Nam nên xem xét thắt chặt dần CSTT để ưu tiên ổn định vĩ mô và có cơ hội được nâng bậc đầu tư.
Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa ngoài các giải pháp ngắn hạn linh hoạt như bơm hút tiền trên thị trường mở, NHNN có thể cân nhắc đến biện pháp dài hơi hơn như tăng dự trữ bắt buộc. “Vì các biện pháp kia kỳ hạn ngắn đôi khi có thể khiến cơ quan điều hành bị động. Nhất là để xử lý tốt khối lượng tiền lớn như lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ, tiền gửi kho bạc tại các TCTD do giải ngân vốn đầu tư công chậm thì việc hút bớt tiền về qua thị trường mở có thể không hấp thụ hết và tạo áp lực cung tiền. Vì vậy, tăng dự trữ bắt buộc có thể được xem là giải pháp dài hạn có tính chủ động hơn giúp NHNN hút bớt tiền nhanh chóng ra khỏi thị trường”, TS. Nghĩa đưa ra quan điểm.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị mấy điểm cần lưu ý trong điều hành CSTT những tháng cuối năm. Một là tìm mọi cách giữ ổn định lạm phát cơ bản. Hai là áp dụng biện pháp theo hướng thắt chặt tiền tệ nhưng ở mức độ vừa phải. Ba là cần phải cải thiện hơn nữa công cụ CSTT để đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, giảm biện pháp hành chính. “Việc giữ lạm phát cơ bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp NHNN điều hành CSTT thành công trong thời gian tới. Ngoài ra tỷ giá tiếp tục điều hành một cách thận trọng nhưng linh hoạt”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, điều hành chính sách tỷ giá phải linh hoạt vì nó là tấm đệm tốt nhất để đỡ cú sốc từ bên ngoài. “Linh hoạt trong điều hành và làm thế nào để thị trường tin không phải là dễ. Nhưng với phương thức điều hành, kiên định mục tiêu trong thời gian qua của NHNN, tôi nghĩ là thị trường có đủ lòng tin đối với nhà điều hành”, TS. Thành bày tỏ quan điểm.