Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi:
Giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 diễn ra ngày 3/3/2022 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thông tin về đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang được dư luận quan tâm.
Tại buổi họp báo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn cho thời điểm từ nay đến hết năm 2022, đồng thời, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng, Chính phủ xin sự chỉ đạo.
Đến nay (3/3/2022), Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam để lấy ý kiến về nội dung tại dự thảo Nghị quyết.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn được Bộ Tài chính dự kiến từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2022 như sau: Xăng Ethanol sẽ giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng xuống 3.000 đồng/lít; Dầu diezen, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/ lít (từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/lít); Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít (từ 1.000 đồng xuống 500 đồng/lít); Mỡ nhờn giảm 500 đồng/1kg (từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng/1 kg). Nhiên liệu bay vẫn giữ vì đã được giảm theo Nghị quyết số 13/2021 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự kiến, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ thực hiện từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá tác động của dự thảo Đề án đến ngân sách Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 giả định tương đương với năm 2019 thì dự kiến số thu bảo vệ xăng, dầu, thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm một năm khoảng 14.524 tỷ đồng, từ đó sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước. Nếu tính riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn giảm từ ngày 01/4/2022 thì mức giảm thu ngân sách sẽ vào khoảng 11.992 tỷ đồng...
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tính toán đến tác động CPI, lạm phát và tăng trưởng kinh tế, thì với giả thuyết thời gian có hiệu lực của biện pháp giảm thuế bảo vệ môi trường từ ngày 01/4/2022 và giá bán lẻ xăng, dầu trong nước ổn định như mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm 2022 thì tác động của biện pháp giảm thuế sẽ giúp giảm CPI bình quân của cả năm 2022 dự kiến là 0,67%. Tuy nhiên, ở đây việc giảm thuế là số tuyệt đối còn CPI là tương đối và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Về tác động đến người dân và doanh nghiệp, chính sách góp phần bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước khi mà giá dầu thô tăng cao. Đồng thời, góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết đây chỉ mới là dự thảo, đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, do đó Bộ Tài chính mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi để nhận được nhiều ý kiến đóng góp xác đáng để Bộ tiếp tục tổng hợp và báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó có quyết định chính xác và hiệu quả nhất…