Giao Bộ Tài chính triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng năng suất lao động


Tại Chỉ thị số 07/CT-TTg về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia, ngày 04/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chỉ thị số 07/CT-TTg của Chính phủ đã nêu rõ, trong quá trình phát triển đất nước,năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp; Nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững.

Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Nhằm khác phục những hạn chế trên và thực hiện thành công Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Theo đó, tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách khu vực tài chính ngân hàng, ưu tiên dòng vốn vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc; tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cụ thể sau đây:

Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết số 05/NQ-TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14.

Thứ hai, đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra nhằm thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.

Thứ ba, tích cực thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính theo Nghị quyết số 05/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, hoàn thiện khung pháp lý điều tiết hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính để tăng cường điều tiết vĩ mô của Nhà nước và thực hiện giám sát hiệu quả các hoạt động trên thị trường; thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính theo chiều sâu trên cơ sở đa dạng hóa các định chế tài chính, các hàng hóa trên thị trường tài chính.

Thứ năm, thực hiện điều chỉnh và xây dựng các cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với các quy định và cam kết trong khuôn khổ đa biên, khu vực và song phương cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam; chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nhất quán trên cơ sở cam kết về mức độ và lộ trình đã đưa ra.

Thứ sáu, thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam theo lộ trình cam kết tại các FTA đã ký kết: ASEAN - Trung Quốc (2020); ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Ôx-trây-li-a - Niu Di-Lân (2022), ASEAN - Ấn Độ (2024), ASEAN - Nhật Bản (2025), Việt Nam - Nhật Bản (2026), Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (2027), Việt Nam - Chilê (2029), Việt Nam - Hàn Quốc (2029) và CPTPP). Chuẩn bị lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam trong các FTA đã kết thúc đàm phán, đã ký kết chưa có hiệu lực và đang chuẩn bị thực thi.