Tạo lập ”cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Sau gần 10 năm triển khai, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Thành quả này đã góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa Việt Nam; gắn kết hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp với cơ chế khuyến khích người lao động tạo ra năng suất chất lượng…
Hình thành bộ công cụ ngăn chặn sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng
Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại Việt Nam.
Nhìn lại gần 10 năm triển khai Quyết định số 712/QĐ-TTg, hoạt động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần tạo lập “cơ sở hạ tầng” cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam, bao gồm: Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng áp dụng trong doanh nghiệp.
Trong đó, Hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) đã được bổ sung cơ bản về số lượng TCVN và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, yêu cầu quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn vệ sinh sức khỏe con người và môi trường (11.500 TCVN; tỷ lệ hài hòa khoảng 54%).
Về quy chuẩn quốc gia, hiện nay, Hệ thống đã có khoảng 780 quy chuẩn Việt Nam, là công cụ để cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn.
Cơ sở dữ liệu về năng suất chất lượng cũng đang từng bước được xây dựng, bổ sung cập nhật tạo cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, nâng cao trình độ hiểu biết và khả năng triển khai áp dụng các biện pháp cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp dần được mở rộng ra các ngành, lĩnh vực. Tính đến ngày 28/10/2019, đã có 750 tổ chức đánh giá sự phù hợp đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó đăng ký tại Bộ Khoa học và Công nghệ là 585 tổ chức đánh giá sự phù hợp; đăng ký tại các bộ quản lý ngành, lĩnh vực là 165 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp này đều có năng lực theo chuẩn mực quốc tế như ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17020 tương ứng đối với từng loại hình tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Một số hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng phổ biến
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất, chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean, Lean 6 Sigma... đã dần quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam.
Kế thừa các kết quả, kinh nghiệm triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng vào doanh nghiệp Việt Nam, thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng một số hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp với trình độ quản trị, đặc thù như:
- Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000), Hệ thống quản lý An toàn thông tin (ISO 27000); Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000); Hệ thống quản lý Trách nhiệm xã hội (ISO 26000); Hệ thống quản lý Sức khỏe và an toàn nghề nghiệp (ISO 45001).
- Áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, cụ thể là áp dụng công cụ “Quản lý tinh gọn Lean” (bao gồm: 5S, bố trí mặt bằng, duy trì hiệu suất tổng thể, chuyển đổi nhanh, nghiên cứu thời gian và thao tác, cân bằng chuyền, sản xuất đúng lúc, bản đồ chuỗi giá trị, hạnh toán chi phí dòng nguyên liệu) có hệ thống, liên tục và tập trung nhằm giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực, rút ngắn thời gian chu trình sản xuất/cung cấp dịch vụ; đồng thời, tăng khả năng đáp ứng một cách linh hoạt các yêu cầu không ngừng biến động và ngày càng khắt khe của khách hàng.
- Áp dụng công cụ Chỉ số hoạt động chính. Đây là cơ sở để đánh giá hiệu quả công việc, sự đóng góp của người lao động vào tăng trưởng của doanh nghiệp, thông qua đó gắn kết hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp với cơ chế khuyến khích người lao động tạo ra năng suất chất lượng.