Giới chức Trung Quốc lo ngại về kịch bản xấu của thương mại năm 2022

Theo Nhật Đăng/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Triển vọng thương mại chưa chắc chắn bởi nhu cầu của nước ngoài với hàng hóa của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ yếu đi nếu quá trình phục hồi kinh tế mất đà.

Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Trung Quốc đương đầu với khó khăn chưa từng có trong việc ổn định thương mại vào năm sau bởi điều kiện thuận lợi để tăng xuất khẩu như năm nay sẽ không thể duy trì được, theo quan chức cấp cao Bộ Thương mại Trung Quốc được Bloomberg dẫn lời.

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Ren Hongbin, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày thứ Năm cho rằng tăng trưởng xuất khẩu sẽ có thể chững lại khi mà các nước cùng cạnh tranh nhau về năng lực sản xuất, đồng thời lạm phát đẩy cao giá trị xuất khẩu đang dịu đi. Việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh cũng khiến cho nền so sánh của năm 2022 cao hơn.

Trung Quốc sẽ giúp tăng cường năng lực xuất khẩu và khả năng quản lý các rủi ro ngoại hối cho doanh nghiệp, theo ông Ren. Chính phủ đồng thời cũng đẩy cao các nỗ lực làm giảm áp lực từ các vấn đề của chuỗi cung ứng và hoạt động vận tải quốc tế, chính phủ cam kết sẽ đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Ông Ren nhấn mạnh Trung Quốc sẽ cố gắng bằng mọi cách để giúp cho hoạt động ngoại thương điều chỉnh trong biên độ phù hợp. Các biện pháp này nhắm đến việc bình ổn thương mại vào đầu năm 2022. Ông cho rằng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 20% trong năm 2021 lên mức ước tính khoảng 6 nghìn tỷ USD.

Bình luận của ông Ren phản ánh cho những lo lắng từng được nhắc đến vào đầu tuần này bởi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao, người cũng từng nói rằng Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc giữ cho tăng trưởng thương mại ổn định vào năm sau.

Xuất khẩu của Trung Quốc đã vững vàng trong suốt cả năm qua, nhờ vậy mang đến yếu tố hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế vốn chịu áp lực bởi nhiều biện pháp quản lý hành chính khắt khe và các đợt bùng dịch liên tiếp. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trưởng 2 con số đều đặn các tháng trong năm nay chỉ ngoại trừ tháng 2/2021 với mức tăng 155% do cùng kỳ năm ngoái suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, triển vọng thương mại chưa chắc chắn bởi nhu cầu của nước ngoài với hàng hóa của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ yếu đi nếu quá trình phục hồi kinh tế mất đà, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc gặp khó với giá hàng hóa nguyên liệu thô cao cũng như chi phí lao động và vận tải tăng.

Lợi nhuận tại các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc tháng 11/2021 tăng trưởng chậm hơn so với kỳ vọng, theo công bố mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Quốc vào ngày thứ Hai. Lợi nhuận của doanh nghiệp chịu áp lực khi giá hàng hóa nguyên liệu thô tại quốc gia này đồng loạt giảm, thị trường bất động sản suy yếu và nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

Lợi nhuận các doanh nghiệp công nghiệp của Trung Quốc tháng 11/2021 tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 24,6% công bố vào tháng 10/2021.

Đối với giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 hàng năm, lợi nhuận của các công ty công nghiệp tăng 38% so với cùng kỳ lên 7,98 nghìn tỷ nhân dân tệ, chậm hơn mức tăng 42,2% trong 10 tháng đầu năm 2021, theo Cục Thống kê Quốc gia công bố.

Chuyên gia thống kê cao cấp tại NBS, ông Zhu Hong, cho biết dù rằng nỗ lực của phía nhà nước Trung Quốc trong việc ngăn chặn giá bất động sản tăng quá nóng đã làm giảm áp lực lên một số ngành chính thống, các biện pháp hạn chế mới nhất đồng nghĩa với sự đóng góp của ngành khai mỏ và nguyên liệu thô với tổng lợi nhuận nói chung yếu đi.

“Tuy nhiên khi mà các doanh nghiệp đương đầu với áp lực chi phí tăng cao, sự cải thiện của một số ngành cần phải được củng cố hơn nữa”, ông Zhu nói trong tuyên bố mới nhất.

Lạm phát giá cả tại các nhà máy hạ nhiệt nhẹ trong tháng 11/2021, chủ yếu bởi chính phủ cố gắng hạn chế đà tăng nóng của giá cả hàng hóa cũng như tình trạng căng thẳng điện năng giảm bớt khi mà Bắc Kinh cố gắng làm giảm tác động kinh tế từ việc chi phí hàng hóa lên cao.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sau khi mất đà dù đã hồi phục vững chắc từ đại dịch COVID-19, hiện đang đương đầu với quá nhiều thách thức khi mà sự suy giảm trên thị trường bất động sản trở nên tệ hại hơn, các vấn đề của tắc nghẽn chuỗi cung ứng và biện pháp siết chặt kiểm soát COVID-19 gây tổn hại làm suy giảm tiêu dùng.