Giới đầu tư nước ngoài lạc quan về chứng khoán Việt Nam

Theo nhipcaudautu.vn

Chỉ tính từ đầu năm 2017 tới nay, chỉ số VN Index đã tăng 7,7%.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhờ đà tăng trưởng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và GDP, cộng thêm tiến trình cổ phần hóa tăng tốc, khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chỉ tính từ đầu năm 2017 tới nay, chỉ số VN Index đã tăng 7,7%, sau khi đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng 15% trong 2016. Hôm 23/2/2017, VN Index cũng đã chạm đỉnh cao nhất 9 năm qua. Dù từ đó tới nay thị trường chưa có hướng đi mới rõ rệt, các nhà quản lý quỹ nước ngoài đều đồng loạt đưa ra quan điểm “mua”:

Ông Thomas Hugger, giám đốc điều hành của Asia Frontier Capital (AFC), cho rằng thị trường “sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực” và ông “sẽ củng cố thêm danh mục hiện nay”. Trong năm 2016, quỹ AFC đã đạt mức sinh lời 30,5% và qua mặt 92% đối thủ cạnh tranh. Hugger cho biết ông tập trung vào cổ phiếu các ngành cơ sở hạ tầng, bất động sản và hàng tiêu dùng.

Ông James Bannan, nhà quản lý quỹ của Coeli Asset Management (Thụy Điển) cho biết ông rất “lạc quan” về Việt Nam. Coeli Asset chỉ đầu tư vào cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, và gần đây vừa gia tăng cổ phần tại Thế giới Di Động (MWG) và Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Shamoon Tariq, phụ trách đầu tư tại Tundra Fonder AB (Thụy Điển) cho biết công ty của ông đã đầu tư 70 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam và đang có kế hoạch gia tăng đầu tư thêm nữa khi nhiều công ty mới lên sàn chứng khoán. Theo Tariq, cổ phiếu các ngành công nghiệp, tài chính, tiêu dùng và bất động sản sẽ tăng trưởng tốt trong năm nay.

Làn sóng doanh nghiệp lên sàn mạnh mẽ trong năm nay đã khiến thế giới chú ý đến Việt Nam. Tập đoàn Novaland, Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và hãng hàng không VietJet đã đồng loạt niêm yết trong vài tháng qua, trong khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay.

Các cổ phiếu mới chào sàn đã giúp tổng giá trị vốn hóa thị trường tăng 58% và chỉ số VN Index tăng 25% trong 12 tháng qua. Tổng giá trị thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện bằng 32% GDP, tiến gần đến mức 39% của Indonesia, một thị trường mới nổi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết trong tháng 1 rằng Việt Nam sẽ nới room cho khối ngoại tại các ngân hàng trong khoảng đầu năm nay. Nhà nước cũng đã thoái một phần vốn sở hữu tại công ty lớn nhất cả nước là Vinamilk vào tháng 12 năm ngoái. Làn sóng niêm yết, IPO và thoái vốn nhà nước sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cả năm 2017, theo báo cáo của Vietnam Asset Management vào ngày 13/1/2017.

Nền kinh tế tăng tốc cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng trưởng. GDP của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ở mức cao, trong khi các nước láng giềng suy giảm hay chững lại. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 theo dự báo của Bloomberg, trong khi chính phủ Việt Nam đưa ra dự báo 6,7%.

Dù Hiệp định Thương mại đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng sẽ không trở thành hiện thực, khiến Việt Nam mất cơ hội tăng thêm 8% GDP vào năm 2030, nguồn nhân công giá rẻ và lợi thế về vị trí địa lý của nước này vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư.

Lượng vốn FDI được giải ngân đã tăng 5 năm liên tiếp, nội trong năm 2016 tăng 9% lên mức 15,8 tỷ USD. Công ty Samsung Display vừa nhận được chứng nhận đầu tư 2,5 tỷ USD vào tháng trước để mở rộng sản xuất tại Bắc Ninh.

Theo ông Hugger thì ngay cả khi không có TPP, “Việt Nam vẫn là một nơi rất hứa hẹn do chi phí nhân công rẻ hơn, và Samsung là một ví dụ cho sức hấp dẫn của quốc gia này”.

Tuy nhiên những rủi ro vẫn còn đó. Việc Fed nâng lãi suất, chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên ngôi tại phương Tây, biến động tỷ giá đồng NDT và mức độ thanh khoản khiêm tốn của thị trường Việt Nam là những mối lo chính của nhà đầu tư nước ngoài, theo đánh giá của bà Lê Nguyệt Anh, trưởng phòng phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS).

Giá cổ phiếu tại Việt Nam vẫn tương đối rẻ, với mức P/E trong 12 tháng qua là khoảng 13,4, so với mức 17,2 và 14 tại Marốc và Argentina.

Ông Federico Parenti, giám đốc quản lý quỹ tại Sempione Sim Spa (Ý), cho biết: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất có tiềm năng khi xét về định giá và tăng trưởng, ngoài ra cổ tức cũng khá cao.”