“Giữ chân” dòng vốn FDI
Một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã chuyển đơn hàng sang nước thứ ba sau thời gian Việt Nam siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Tại cuộc đối thoại lần 3 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết đã có 18% doanh nghiệp EU chuyển đơn hàng sang nước thứ ba, 16% đang lên kế hoạch.
Những con số báo động
Sở dĩ có tình trạng trên do kết quả kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp EU tại nước ta. Hơn 90 ngày sau khi đợt dịch thứ 4 bùng mạnh, 80% doanh nghiệp EU kinh doanh không tốt, trong đó 29% ở tình cảnh tồi tệ.
Tình hình nói trên tất yếu xảy ra khi các nhà máy của các doanh nghiệp FDI đặt tại Việt Nam không thể hoạt động, hoặc hoạt động không đủ công suất, không đáp ứng được đơn hàng của đối tác.
Đằng sau đơn hàng “bay đi” là việc làm “bốc hơi”, nếu nhà máy ở quốc gia thứ 3 sản xuất ổn định. Nếu Việt Nam chưa sớm trở lại trạng thái bình thường thì rất có thể sẽ có thêm nhiều đơn hàng khác dịch chuyển sang nước thứ 3.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham nhận định: “Nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi hoàn toàn có thể xảy ra”.
Thay đổi chính sách thế nào?
Nhiều chuyên gia cho rằng cần giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp FDI duy trì phương án sản xuất “3 tại chỗ”. Đây là biện pháp khả dĩ, song Chính phủ nên tính toán ưu tiên những ngành nghề mà trong nước chưa tự chủ được, đồng thời sàng lọc dòng vốn chất lượng thấp, công nghệ cũ, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần xem xét áp dụng những đề xuất mới của doanh nghiệp, như “hai xanh” công nhân của họ sống tại “vùng xanh” và cơ sở sản xuất ở “vùng xanh”. Đặc biệt, cần quy định rõ ràng hơn cơ chế phối hợp giữa các địa phương, các ngành, lĩnh vực để tránh chồng chéo như hiện nay. Đây cũng là kiến nghị của 75% doanh nghiệp thành viên của EuroCham về việc cần có quyết sách thông suốt từ Chính phủ thay vì để địa phương quyết định.
Ngoài ra, cần lộ trình cụ thể hơn về phòng chống dịch để giúp các doanh nghiệp dự báo khả năng quay lại sản xuất. Tất cả mọi tính toán, đánh giá, dự báo đều phải dựa trên cơ sở khoa học là tỷ lệ tiêm chủng và mức độ miễn dịch.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực. Đây là rào cản khiến nhiều địa phương không dám mở “rộng cửa”, trên bình diện quốc tế Việt Nam vẫn chưa thật sự tham gia sáng kiến “hộ chiếu sức khỏe điện tử”, “hộ chiếu vắc xin” của Hiệp hội Hàng không quốc tế dẫn đến tắc nghẽn vận tải và cung ứng. Vì vậy, cần ưu tiên tối đa vắc xin cho người lao động để các doanh nghiệp có thể hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.