Giữ mục tiêu tăng trưởng - Đâu là giải pháp?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ý kiến chỉ đạo là không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của năm nay (5,8%).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vấn đề quan trọng là cần có giải pháp để biến khả năng đó thành hiện thực.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ 2 năm trước, trong đó tốc độ tăng của quý II cao hơn của quý I; tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng và nhóm ngành dịch vụ - hai nhóm ngành có tỷ trọng chiếm trên 82,3% GDP của toàn bộ nền kinh tế - tăng cao hơn tốc độ chung. Đà tăng trưởng cao lên được tiếp tục duy trì trong tháng 7 là tín hiệu để tăng trưởng cao hơn trong những tháng còn lại của năm 2014.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý là CPI tăng thấp. Diễn biến 7 tháng qua và lường định các yếu tố tác động từ nay đến cuối năm, có thể dự đoán CPI cả năm chỉ ở mức trên dưới 5%. Việc tăng thấp của CPI sẽ tạo ra các thời cơ, nên cần tận dụng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội cả năm đã đề ra.

Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả năm (tăng 5,8%) thì 6 tháng cuối năm phải tăng 6,27%. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề.

Để biến khả năng thành hiện thực, bên cạnh việc cần phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, người viết đề xuất tập trung vào một số vấn đề sau.

Về tư duy, nếu trước kia tập trung vào các giải pháp ưu tiên kiềm chế lạm phát (như thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá, thắt chặt đầu tư, tiêu dùng...), thì nay chuyển sang ưu tiên hơn cho tăng trưởng hợp lý. Các giải pháp ưu tiên hơn cho tăng trưởng bao gồm ở cả đầu vào và ở đầu ra.

Ở đầu vào, cần thực hiện nhanh 2 giải pháp.

Một là cải thiện nhanh việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Trong điều kiện lạm phát 7 tháng đầu năm và khả năng cả năm tăng thấp, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và đi vay còn lớn (theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến tháng 7, lãi suất tiền gửi bình quân VND là 5,53%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 12/2013, trong khi lãi suất cho vay bình quân là 10,08%/năm, giảm 0,25 điểm phần trăm), nên cần giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP đã giảm (từ 115% năm 2010 xuống còn 97% vào năm 2013), nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 30/6/2014 chỉ đạt 3,52% (trong đó nội tệ chỉ tăng 2,17%), thì cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng. Muốn tăng trưởng tín dụng cao, ngoài việc hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại cần tìm đến các doanh nghiệp cùng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu, về tiêu thụ sản phẩm...

Giải pháp thứ hai là đẩy nhanh hơn nữa đầu tư phát triển từ cả 3 nguồn (ngân sách Nhà nước, mặc dù đã liên tục tăng lên trong 7 tháng qua nhưng tính chung 7 tháng, một số bộ, ngành, địa phương còn đạt thấp so với kế hoạch năm; thu hút mạnh hơn nguồn vốn ngoài Nhà nước bằng cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI, ODA).

Ở đầu ra có 3 nhóm giải pháp.

Nhóm giải pháp thứ nhất là tăng tổng cầu. Trước hết là tăng tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ít nhất cũng bằng với tỷ lệ của năm trước (năm 2013 là 30,4%, trong khi 6 tháng đầu năm nay đạt 30,1%) và quan trọng hơn là tăng hiệu quả đầu tư... Tăng tiêu thụ trong nước bằng đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”...

Nhóm giải pháp thứ hai là đẩy mạnh xuất khẩu trên cơ sở mở rộng và chuyển dịch cơ cấu mặt hàng, mở rộng và chuyển dịch thị trường xuất khẩu, mở rộng các địa bàn xuất khẩu nhằm tăng thêm các địa bàn đạt từ 1 tỷ USD trở lên.

Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung mạnh hơn nữa việc chống buôn lậu ở khu vực biên giới...

Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư các lĩnh vực có lợi thế trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.