Giữ thị trường bằng thông điệp “hành động”
Công cụ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước sử dụng khá hiệu quả góp phần ổn định tỷ giá.
Tỷ giá hạ nhiệt sau thông điệp cứng rắn
Ngày 30/11/2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm (TGTT) ở mức 22.118 đồng/USD, giảm 3 đồng so với ngày hôm trước. Còn nếu so với cuối tuần trước, TGTT giảm mạnh gần 60 đồng/USD. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp, tỷ giá giảm sau thông điệp của NHNN về vấn đề này.
Nhìn lại diễn biến trong tuần qua, được đánh giá là tuần biến động mạnh nhất kể từ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thì tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng (LNH) tăng mạnh, có thời điểm lên sát mức trần NHNN quy định, tuy nhiên sau đó giảm trở lại, chốt phiên cuối tuần giao dịch quanh mức 22.765 đồng/USD.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tuần qua, tỷ giá LNH đã tăng hơn 400 đồng, sau thời gian dài ổn định và tăng hơn 1,28% so với đầu năm. Trong đợt biến động lần này, nguyên nhân đẩy tỷ giá tăng mạnh đến từ cả yếu tố quốc tế và trong nước. Trên thị trường quốc tế, đồng USD liên tục tăng giá so với các ngoại tệ khác từ sau ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Tại thời điểm ngày 25/11, chỉ số USD-Index đã tăng hơn 3% so với ngày 9/11 leo lên mức 101,4 điểm. Cùng lúc đó, tỷ giá đồng USD/CNY, đồng tiền có tỷ trọng lớn nhất trong rổ 8 đồng tiền tính TGTT cũng tăng hơn 2%.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm nghiên cứu kinh tế MaritimeBank, trong những tuần qua, yếu tố trong nước cũng góp phần lớn trong đợt sóng tỷ giá lần này. Hoạt động kinh doanh ngoại tệ tháng cuối năm trở nên sôi động với khối lượng giao dịch tương đương 1,5 tỷ USD mỗi ngày do nhu cầu thanh toán và dự trữ thanh toán cuối năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không thể loại trừ đó là yếu tố tâm lý, đầu cơ đã đẩy tỷ giá tăng mạnh trong thời gian ngắn. “Các nhà đầu cơ đang tạo sóng, và sóng đó họ dựa trên biến chuyển tình hình thế giới cũng như trong nước”, ông nói thêm.
Trước biến động nhanh của tỷ giá, NHNN đã lên tiếng khẳng định, cung-cầu ngoại tệ tại thời điểm hiện tại không có yếu tố đột biến. Áp lực ngoại tệ không quá lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao. NHNN theo dõi sát diễn biến tỷ giá và can thiệp thị trường mỗi khi thấy cần thiết. Thậm chí, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ. Với thông điệp chắc chắn này, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong những ngày cuối tháng 11/2016.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, không chỉ có chính sách điều hành linh hoạt khi áp dụng cơ chế TGTT được tính toán dựa trên 3 căn cứ gồm tỷ giá LNH ngày liền trước, biến động tỷ giá của rổ 8 đồng tiền và các cân đối tiền tệ vĩ mô, NHNN còn chủ động có biện pháp kịp thời trấn an tâm lý thị trường. Định hướng chính sách tiền tệ của NHNN đã giúp thị trường ngoại tệ vận động theo đúng nhịp điệu cần có.
Cụ thể hóa thông điệp chính sách, ngay trong ngày đầu tuần này, Sở Giao dịch NHNN áp giá bán ra USD ở mức 22.746 đồng/USD, thấp hơn trần biên độ cho phép tới 50 đồng. Ngày 29/11, giá bán ra của Sở Giao dịch NHNN còn thấp hơn so với ngày trước đó, chỉ là 22.735 đồng. Trước động thái trên, một chuyên gia NH bình luận, việc Sở Giao dịch yết giá bán tham khảo thấp hơn đáng kể so với mức trần cho thấy sự sẵn sàng bán ra bình ổn nếu thị trường cần. Đây cũng là lời cam kết của nhà điều hành khiến các NH yên tâm.
Giữ bằng công cụ nào?
Theo nguồn tin của phóng viên, mặc dù nhận được tín hiệu NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ, nhưng chưa có NH nào mua ngoại tệ từ NHNN. Bởi hiện tại tỷ giá giao dịch trên thị trường LNH khá “mềm” và thanh khoản vẫn đang tốt. Trên thị trường LNH, tỷ giá chốt phiên 29/11, giao dịch quanh mức 22.690 đồng/USD, giảm khoảng 30 đồng so phiên trước. Tỷ giá trên LNH phản ánh quy mô và cung cầu thị trường.
Cũng như lãi suất, tỷ giá trên thị trường này là chỉ dẫn để thị trường 1 bám theo đó mà điều chỉnh. “Tuy chưa phải can thiệp, nhưng những cam kết của NHNN đưa ra thị trường không chỉ là lời nói suông mà đi kèm hành động cụ thể, và đang ngày càng có sức nặng tạo niềm tin trên thị trường giúp tỷ giá nhanh chóng hạ nhiệt”, một chuyên gia nhận định.
Nhưng ở một diễn biến khác, yếu tố giúp tỷ giá USD/VND phần nào giảm nhiệt đó là đầu tuần này, đồng USD đã hạ trên thị trường thế giới sau một thời gian tăng mạnh. Ngày 28/11, chỉ số USD-Index đã giảm 0,16% so với ngày 27/11. Trong khi đó, các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cũng đã lên giá đáng kể so với đồng USD.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điều này cũng đặt ra bài toán cho nhà quản lý nhằm duy trì tỷ giá phù hợp nhất để thị trường không có biến động mà vẫn đảm bảo cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Hơn thế, ổn định thị trường ngoại hối nhằm cân đối với các yếu tố lạm phát, lãi suất, nợ công… luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của NHNN. Đây không phải bài toán dễ giải cho nhà điều hành, nhưng TS. Hiếu cho rằng, NHNN vẫn có đủ công cụ có thể bình ổn thị trường dù vẫn còn những áp lực lên tỷ giá vào thời điểm cuối năm như khả năng FED tăng lãi suất...
Xét ở góc độ kỹ thuật, công cụ lãi suất được NHNN sử dụng khá hiệu quả góp phần ổn định tỷ giá. Lãi suất được coi là điểm tham chiếu có ảnh hưởng trong các giao dịch tỷ giá. Tại sao lại như vậy? Bởi giao dịch ngoại tệ trên thị trường LNH phần lớn được xác định bằng tỷ giá cộng với lãi suất VND quy đổi theo kỳ hạn giao… Theo cách tính trên, lãi suất càng cao thì điểm tỷ giá càng thấp. Song song với đó, NHNN vẫn thực hiện hút tiền về thông qua công cụ tín phiếu. Vì nếu để dư tiền ngoài thị trường nhiều, lãi suất sẽ giảm, đồng VND sẽ mất giá và tỷ giá lại càng tăng cao. Tỷ giá giảm cũng một phần từ cân đối lãi suất.
Về nguồn lực, mặc dù từ tháng 10 tới nửa đầu tháng 11, cán cân thương mại đã quay trở lại nhập siêu khoảng gần 1 tỷ USD, song thặng dư thương mại lũy kế từ đầu năm vẫn ở mức 2,66 tỷ USD. Ngoài ra, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tiếp tục được đánh giá khá tích cực. Lượng dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức cao nhất, đạt hơn 40 tỷ USD. Với nguồn lực trên, NHNN hoàn toàn đủ khả năng duy trì tỷ giá ổn định.
Đồng quan điểm về khả năng tỷ giá không có biến động lớn từ nay đến cuối năm, nhưng, TS. Cấn Văn Lực đánh giá diễn biến phức tạp của tỷ giá ngày càng tăng. Vì vậy, chắc chắn thời gian tới, NHNN phải theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và thậm chí đưa ra một, hai kịch bản từ nay đến cuối năm cũng như trong tình hình của năm tới để đảm bảo thanh khoản của thị trường và không có những cú sốc đối với tỷ giá.