Tỷ giá tiếp tục giảm dù đồng USD trên thị trường thế giới phục hồi
Chiều nay (29/11), các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm giá mua – bán đồng bạc xanh với mức giảm 10-60 đồng. Qua đó, đưa giá bán ra USD tại các ngân hàng về chỉ còn phổ biến trong khoảng 22.700-22.710 đồng/USD.
Cụ thể, Vietcombank giảm 10 đồng ở giá mua và 40 đồng ở giá bán xuống mức 22.640/22.710 đồng/USD.
22.640/22.710 đồng/USD cũng là tỷ giá USD mà BIDV đang niêm yết, giảm 30 đồng ở chiều mua vào và 40 đồng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
Tương tự, VietinBank giảm 30 đồng mỗi chiều mua và bán về mức 22.630/22.720 đồng/USD.
Trong khi, Agribank vẫn duy trì mức giá mua – bán đồng bạc xanh như sáng nay là 22.650/22.755 đồng/USD.
Với khối NHTMCP, ACB và LienVietPostBank đều giảm 60 đồng ở chiều mua vào và 50 đồng ở chiều bán ra xuống mức 22.610/11.700 đồng/USD.
Eximbank hiện đang giao dịch USD với mức giá 22.620/22.710 đồng/USD, giảm 40 đồng ở cả 2 chiều mua – bán so với sáng nay.
Tương tự, Sacombank giảm 30 đồng ở chiều mua xuống 22.620 đồng/USD, đồng thời giảm 40 đồng ở chiều bán xuống 22.710 đồng/USD.
Một ngân hàng nữa cũng giao dịch đồng bạc xanh ở mức 22.620/22.710 đồng/USD là DongA Bank, giảm 50 đồng ở chiều mua vào và giảm 40 đồng ở chiều bán ra so với đầu giờ sáng.
“Nhẹ tay” hơn, Techcombank chỉ giảm 20 đồng ở giá mua xuống 22.630 đồng/USD và giảm 30 đồng ở giá bán xuống 22.750 đồng/USD.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường chiều nay là 22.610 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.650 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.700 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.755 đồng/USD.
Việc tỷ giá trong nước giảm cho dù đồng USD trên thị trường thế giới phục hồi nhẹ trở lại sau hai phiên giảm mạnh gần đây cho thấy, động thái trấn an của ngân hàng Nhà nước vừa qua đã hóa giải tâm lý lo ngại của người dân và doanh nghiệp. Điều đó khiến tỷ giá trên thị trường phản ánh thực chất hơn cung - cầu ngoại tệ trong nước.
Theo một chuyên gia ngân hàng, hiện nguồn cung ngoại tệ đang rất dồi dào khi cán cân thương mại 11 tháng ước xuất siêu 2,84 tỷ USD. Lượng vốn FDI giải ngân trong 11 tháng qua cũng lên tới 14,3 tỷ USD. Ngoài ra còn nguồn kiều hối, nguồn giải ngân vốn ODA.
Trong khi cầu ngoại tệ dù được dự báo cao hơn trong những tháng cuối năm, song cũng không lớn. Đặc biệt, việc ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 31 giãn thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để thanh toán trong nước đến hết năm 2017 cũng làm giảm đáng kể lượng cầu. Với lượng cầu này, hệ thống ngân hàng thừa sức đáp ứng.
"Đặc biệt với nguồn dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong thời gian qua, ngân hàng Nhà nước thừa sức can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá theo đúng mục tiêu đã đề ra", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.