Giữ vững dòng vốn FDI
Theo Báo cáo vừa được công bố về Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới. Còn theo thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng dẫn tới một số nhà máy bị ngừng hoặc giảm công suất, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong tháng 8.2021 giảm 12,2% so với tháng 8/2020 và giảm 14,3% so với tháng 7/2021. Những con số đó cũng khiến không ít người băn khoăn về việc làm sao để giữ vững dòng vốn FDI.
Có thể nói, đầu tư nước ngoài là câu chuyện dài hạn, xem xét mọi tiềm năng chứ không phải ngày một, ngày hai. Thực tế đã chứng minh, những năm gần đây, Việt Nam được nhận định là điểm đến đáng chú ý của dòng đầu tư này.
Đặc biệt là khi giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2020 đã tăng 9 bậc, đứng vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, theo báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút FDI từ các đối tác.
Nói như đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), điểm tựa vững chắc giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu là Hiệp định EVFTA. Sau 1 năm thực thi, gần 2/3 thành viên EuroCham đã được hưởng lợi từ Hiệp định này, cùng với đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ về xuất khẩu của Việt Nam sang EU 8 tháng năm 2021, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn hết, Việt Nam cũng không ngừng cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng về thể chế, chính sách. Đơn cử như mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu các bộ gấp rút sửa nhiều Luật, trong đó có những Luật rất sát sườn với doanh nghiệp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP)... Rõ ràng, việc khơi thông những điểm nghẽn về chính sách cũng là điểm sáng để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI.
Về lâu dài, cùng với việc nâng cao chất lượng, bảo đảm tính thống nhất và ổn định của chính sách pháp luật, còn một yếu tố khác quyết định giữ chân doanh nghiệp, đó là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhằm tạo ra mạng lưới cung ứng, ràng buộc giữa các bên.
Tuy nhiên, trong bối cảnh rủi ro toàn cầu do đại dịch COVID-19, cần có những chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn đối với khu vực doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng như giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh đối với doanh nghiệp, bảo đảm được vấn đề về lưu thông hàng hóa, hỗ trợ chuyển dịch lao động đặc biệt là lao động kỹ thuật cao…
Lấy ví dụ như Bắc Giang - một trong những địa phương vừa phục hồi sau dịch, cùng với việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tỉnh đã khởi động lại dự án cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; các cấp, các ngành cùng chung tay hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp về lao động, vận chuyển người và hàng hóa về nơi lưu trú; hỗ trợ công tác xét nghiệm và kiểm soát COVID-19. Đồng thời, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư của nhà đầu tư nhằm giải quyết khó khăn nhanh nhất, tốt nhất.
Rõ ràng, việc kiểm soát, khống chế hiệu quả dịch bệnh; kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm này, không chỉ chứng minh năng lực quản trị mà còn là điểm tựa vững chắc cho các nhà đầu tư.
Điều mà không ít nhà đầu tư mong muốn lúc này là Chính phủ tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng. Bởi, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng sẽ tạo ra sức đề kháng thực sự cho cả người dân và doanh nghiệp.