Giúp ngư dân làm chủ biển khơi
(Tài chính) Hiện, ngành đánh bắt thủy sản của chúng ta đứng thứ 9, xuất khẩu đứng thứ 4 và nuôi trồng đứng thứ 3 trên thế giới. Năm 2013, thủy sản đóng góp gần 50% GDP.
Nhìn lại hơn 10 năm qua, các cơ chế chính sách về ngư nghiệp đã giúp sản lượng đánh bắt, nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản của ngư dân tăng mạnh. Theo đó, đánh bắt của chúng ta đứng thứ 9, xuất khẩu đứng thứ 4 và nuôi trồng đứng thứ 3 trên thế giới. Trong 10 năm qua, thủy sản đã đóng góp 27-28% trong GDP. Năm 2013, thủy sản đóng góp gần 50% GDP. Đây là cơ sở để đời sống ngư dân ngày càng được cải thiện, ngư dân càng hăng hái bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến năm 2013, cả nước có 117.998 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tàu công suất trên 90CV có 28.285 chiếc (chiếm 23,1% tổng số tàu cá), sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, hiện trạng ngành ngư nghiệp còn rất nhiều bất cập.
Hệ thống tàu thuyền của ngư dân còn rất yếu kém, có đến 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ, 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ hoặc thiết bị giao thông đường bộ, trang thiết bị bảo quản thô sơ (dưới 10% tàu có thiết bị bảo quản bằng hộp xốp thổi), số tàu công suất thấp (dưới 90CV) khai thác ven bờ còn lớn (chiếm 76,9%), nguồn lợi hải sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm trong khi sản lượng khai thác xa bờ cũng đã xấp xỉ ngưỡng khai thác bền vững theo dự báo.
Nhân lực: với gần 1 triệu lao động đánh cá nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề. Số thuyền trưởng, máy trưởng được tập huấn chỉ mới 30%; mức độ liên kết của ngư dân chưa thực sự chặt chẽ, vẫn còn tình trạng ngư dân sản xuất đơn lẻ, thiếu vốn, không được hỗ trợ khi gặp sự cố trên biển.
Ngành phụ trợ như: nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng gặp nhiều tồn tại cần được khắc phục như cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, công tác xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, sử dụng vốn đầu tư của một số nhà máy chế biến chưa hiệu quả…
Ngoài ra, hạ tầng phục vụ khai thác còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức, xuống cấp dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất. Hiện nhiều hạ tầng cảng neo đậu tàu thuyền vẫn bị chỗ sâu chỗ cạn, nhiều vũng neo đậu tàu thuyền còn đang thi công dở dang, luồng lạch chưa được nạo vét… nên ngư dân vẫn chưa an tâm mỗi khi có mưa to, bão lớn.
Và xét trên tầm vĩ mô, chúng ta còn thiếu tầm nhìn để phát triển ngành thủy sản thành một ngành sản xuất hiện đại, tiếp thu công nghệ mới trên thế giới. Hiện, quy trình đánh bắt của Việt Nam còn thủ công, thô sơ, đánh bắt ven biển là chính, hoạt động trên biển cũng chưa tổ chức thành mô hình quy mô, bài bản.
Giải pháp và chính sách phát triển ngành thủy sản:
Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ thực hiện các cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác trên các vùng biển xa; hỗ trợ khắc phục rủi ro, thiên tai trên biển; hỗ trợ việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trong thủy sản; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các địa phương vay không có lãi suất để đầu tư hạ tầng sản xuất; Chính phủ cần nghiên cứu, sửa đổi để tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả của một số chính sách ưu đãi về tín dụng để ngư dân đóng mới, hiện đại hóa tàu cá; ưu tiên vốn tín dụng ưu đãi để nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xuất khẩu thủy sản; hỗ trợ trang thiết bị thông tin và giám sát hoạt động của tàu cá trên biển…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, gần đây, ngành ngân hàng đã phối hợp cùng Bộ NN&PTNT triển khai chương trình hỗ trợ tín dụng giúp ngư dân có đủ điều kiện bám biển. Chương trình này được các hiệp hội ngành cá, ngư dân cũng như các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy - hải sản rất phấn khởi đón nhận. Đây là một chủ trương đúng đắn, nếu thực hiện tốt, triển khai đồng bộ và chặt chẽ sẽ đạt được nhiều mục đích, vừa thúc đẩy nghề đánh bắt thủy sản phát triển vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa tạo công ăn việc làm cho ngư dân, đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyển biển đảo của Tổ quốc.
Nhưng nếu không cẩn thận, việc giải ngân cho các hộ ngư dân vay để đóng tàu lớn thực hiện việc đánh bắt cá xa bờ sẽ lặp lại thất bại của các chương trình đánh bắt cá xa bờ những năm trước, với tổn thất còn nặng nề hơn. Ví dụ như năm 1990, Chính phủ có chương trình cho ngư dân vay vốn với tổng kinh phí 1.200 tỉ đồng được rải đều cho nhiều ngân hàng đảm nhiệm. Mặc dù kết quả là đã xây dựng được một đội tàu khoảng 5.000 chiếc để đánh bắt xa bờ nhưng hoạt động không hiệu quả vì đầu tư thiếu đồng bộ: thiếu đào tạo tay nghề, thiếu cơ sở dịch vụ hậu cần, thiếu khâu tiêu thụ sản phẩm, đánh bắt được một tấn về bờ mất ba bốn tạ, bị tư thương ép giá... Năm 1997, Nhà nước đã bỏ ra 5000 tỷ đồng cho chương trình đánh bắt cá xa bờ, nhưng đến nay đã không thành công. Chúng ta đã có những đội tàu đánh bắt cá ngoài khơi xa nhưng hoạt đông manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp, các khoản nợ của chương trình này vẫn đang là thành phần tạo nên khối nợ xấu đè nặng lên các ngân hàng thương mại, không dễ xử lý trong một sớm một chiều. Hay như năm 2012 - 2013, khi triển khai Quyết định số 1787/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 11-2012 về chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ, với lãi suất cũng chỉ 2,5%/năm và thời hạn cho vay cũng là 10 năm, nhưng đến nay, số ngư dân vay để đóng tàu sắt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đưa ra gói tín dụng giúp ngư dân nâng cấp hoạt động sản xuất trên biển là một giải pháp cần thiết, nhưng chúng ta còn thiếu rất nhiều điều kiện để chủ trương này thực sự có hiệu quả.
Ngay từ phía ngư dân cũng còn rất nhiều khúc mắc khi quyết định có vay vốn của Nhà nước hay không?
Lâu nay, ngư dân quen với cách đánh bắt theo kinh nghiệm dân gian, truyền miệng từ đời này qua đời khác chứ chưa tiếp cận với cách thức làm ăn lớn, trình độ sử dụng công nghệ còn rất yếu kém. Nếu chuyển từ tàu gỗ công suất nhỏ lên tàu sắt công suất lớn thì hiện tại không có đủ ngư dân có trình độ vận hành. Có một thực tế là, tìm tài công giỏi để đưa tàu nhỏ đi đánh bắt cá gần bờ đã khó, vậy làm sao để có tài công vận hành máy lớn?
Thêm nữa, ra khơi xa thì đánh bắt loại cá gì, đánh ở đâu, đánh bắt bao nhiêu là vừa để còn bảo vệ đán cá? Đánh nhiều cá thì bán ở đâu? Các chuyến đi khơi xa có cần tàu đi theo cung cấp nước ngọt, nước đá, xăng dầu và các ngư yếu phẩm khác hay không? Đánh bắt xa bờ phải đi dài ngày, việc cất trữ hàng hóa và bảo quản như thế nào để giữ được chất lượng? Rồi tiếp theo đó là việc tiêu thụ như thế nào? Hiện tiêu thụ hàng thủy sản hoàn toàn do tư thương cầm trịch, người đánh bắt cá thường rơi vào cảnh “trúng đàn, rớt giá” hệt người nông dân, “được mùa mà lo”, là người vất vả nhất nhưng lại hưởng lợi ít nhất.
Do vậy, dù có thể đóng tàu to nhưng ra khơi như thế nào là cả một câu chuyện dài đối với ngư dân. Những câu hỏi trên nếu chưa trả lời được thì việc chúng ta vội vã đổ tiền ra cho ngư dân vay rất có thể sẽ là đổ tiền xuống biển, mà các ngân hàng cũng không dám cho vay, và chương trình này lại sẽ gặp ách tắc như trước đây.
Làm gì để giúp cho ngư dân bám biển thành công:
Vậy, làm thế nào để giải quyết được bài toán kể trên. Kể cả về lĩnh vực chính trị và trên bình diện kinh tế, nước ta cần tổ chức lại ngành nghề đánh bắt cá theo quy mô, hiện đại; đồng thời, phải nhập máy móc từ các nước mạnh về nghề biển để xây dựng được dây truyền công nghệ bảo quản, sơ chế,… phải đưa hoạt động sản xuất trên biển thành một ngành công nghiệp hiện đại, tiến tiến… Có như vậy việc ưu đãi tín dụng mới có ý nghĩa, tiền bạc của ngân hàng mới không trở thành nợ xấu, nếu không, chắc chắn nợ xấu mới lại chồng lên nợ xấu cũ.
Để giải ngân được nguồn vốn, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đề xuất một số chính sách mới về cho vay ngắn hạn phục vụ sản xuất đối với ngư dân như: cho vay với mức vay trung bình 200 triệu đồng/hộ đóng tàu, thực hiện trong 10 năm (trong gói tín dụng 3.000 tỷ đồng), có cơ chế cho vay thông thoáng, không yêu cầu dân phải có tài sản thế chấp; thực hiện hỗ trợ 50% bảo hiểm thân tàu, 100% bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên đánh bắt thủy sản trên biển; hỗ trợ đào tạo nhân lực nghề cá (thuyền viên cũng như chế biến, kinh doanh sản phẩm thủy sản); Xem xét bổ sung đối tượng được miễn, giảm học phí là học sinh, sinh viên ngành khai thác thủy sản để khuyến khích đào tạo nguồn nhânực cho khai thác và quản lý khai thác thủy sản, đặc biệt đào tạo thuyền trưởng vận hành tàu lớn…
Các bộ, ngành chức năng phải tích cực tham gia vào khâu đầu tư cũng như thương mại, không chỉ giúp ngư dân có tàu lớn mà còn hướng dẫn ngư dân đóng tàu loại nào, bắt con gì cho phù hợp? Đồng thời, tìm các thị trường tiêu thụ lớn, giúp ngư dân giải quyết đầu ra, tăng thu nhập bền vững, ổn định để có điều kiện trả nợ cho ngân hàng.
Những khu vực có tiềm năng đánh bắt lớn trên biển Đông tập trung chủ yếu quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng lúc này, do Trung quốc đang ngang nhiên lấn chiếm, khiến ngư dân gặp khó khăn khi tiếp cận vùng biển truyền thống này. Tàu của ta nhỏ, lưới nhỏ, đi đơn lẻ, trong khi tàu Trung quốc đi một đội cả chục chiếc tàu sắt lớn, trang bị phương tiện đầy đủ tranh đánh bắt, đe dọa tàu của ta, khiến cho ngư trường của ta bị hẹp lại, sản lượng cũng giảm đi.
Vì vậy, lúc này, việc giữ được ngư trường cho ngư dân và bảo vệ ngư dân làm ăn còn là nhiệm vụ lớn của Đảng và Chính phủ. Trước mắt, rút kinh nghiệm tàu cá đi nhỏ lẻ, bị tàu nước ngoài chèn ép, phá hoại… các ngư dân nên tập trung đánh bắt cá theo đoàn để có thể hỗ trợ cho nhau, không để lực lượng yếu, dễ bị bên ngoài tấn công; Cần trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc hiện đại để có thể thông tin cho nhau và thông tin cho các lực lượng hỗ trợ (cảnh sát biển, cơ quan thực hiện luật pháp biển…) biết, khi có bất kỳ một vấn đề gì phát sinh. Các lực lượng cảnh sát biển, cơ quan thực hiện luật pháp biển… phải luôn luôn sát cánh cùng ngư dân trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ngư dân, bảo vệ ngư trường cho ngư dân làm ăn và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Người dân phải sinh tồn được mới lo làm ăn lớn, do vậy, lo cho ngư dân tiếp tục ra khơi làm ăn lúc này là vô cùng quan trọng, đồng thời với đó là đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, cải tiến nâng cấp nghiệp đoàn đánh cá lên, giúp ngư dân có lực, có tiếng nói, có môi trường hoạt động mạnh mẽ hơn…