Giúp nông sản xuất ngoại
Để từng bước giúp nông sản của tỉnh Hậu Giang đạt các yêu cầu xuất khẩu, thời gian qua bên cạnh việc mở rộng vùng sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành nông nghiệp tỉnh còn tích cực hỗ trợ các nhà vườn xây dựng mã số vùng trồng cho nhiều loại nông sản chủ lực ở các địa phương.
Xây dựng mã số vùng trồng
Là người có tiếng với những kỹ thuật trồng mía cho năng suất cao ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhưng luôn gặp tình cảnh trúng mùa rớt giá. Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Thành Công cũng phải ngậm ngùi chia tay với cây mía để chuyển sang trồng sương sáo.
Theo ông Công, cây sương sáo mỗi năm cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt năng suất từ 700-1.000kg/công, giá chỉ cần ổn định ở mức 15.000 đồng/kg, trừ hết chi phí mỗi công đạt lợi nhuận gần 7 triệu đồng.
Ông Công chia sẻ: “Cây mía mỗi năm cho thu hoạch một đợt, nếu giá thấp thì như năm đó thua lỗ. Trong khi cây sương sáo thu hoạch nhiều đợt nên dù giá bán có lên xuống nhưng vẫn sống được. Đặc biệt mấy năm gần đây có doanh nghiệp bao tiêu để xuất khẩu nên giá sương sáo cũng ổn định hơn trước”.
Để giúp cây sương sáo phát triển ổn định, thời gian qua ngoài việc quy hoạch lại vùng trồng sương sáo để nông dân đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật tăng năng suất, huyện Phụng Hiệp còn kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu để đầu tư bao tiêu cho nông dân. Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp có diện tích sương sáo hơn 57ha, chủ yếu tập trung ở xã Hiệp Hưng với 71 hộ trồng. Bước đầu đã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho 26ha với 23 hộ, với sản lượng gần 520 tấn/năm, doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng thu mua với giá 16.000 đồng/kg.
Ông Dương Văn Sơn - nông dân trồng sương sáo huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Làm được mã số vùng trồng thì cây sương sáo sẽ đủ điều kiện xuất khẩu, khi đó doanh nghiệp sẽ mạnh dạn ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân. Người hưởng lợi sẽ là nông dân, vì biết trước được sản phẩm của mình được thu mua với giá bao nhiêu để mình cân đối sản xuất. Hạn chế được tình trạng đầu tư nhiều nhưng giá bán lại thấp dẫn đến thua lỗ”.
Cũng có chung tình cảnh của cây sương sáo trước đây, mấy năm qua cây mít thái cũng đang “vật lộn” với bài toán giá cả. Những lúc mít thái xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc thì giá tại vườn ổn định, còn thời điểm Trung Quốc ngưng thu mua thì giá rẻ bèo.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, với diện tích 600ha, sản lượng hàng năm trên 9.000 tấn, nhưng chỉ có khoảng 25% bán đúng thời điểm giá cao, còn lại nông dân phải bán với giá thấp. Chính vì thế, để tạo điều kiện cho trái mít đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã tổ chức xây dựng được 6 mã số vùng trồng cho cây mít thái với diện tích là 78,91ha cho 79 hộ tham gia với sản lượng 1.789 tấn/năm.
Canh tác hơn 10ha mít thái, đồng thời làm Giám đốc HTX nông nghiệp Xanh Tạo Thành, chuyên thu mua và xuất khẩu mít, sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nên anh Trần Bá Tạo, ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, hiểu được hết tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng cho cây ăn trái để xuất khẩu. Chính vì thế, khi huyện Phụng Hiệp triển khai định hướng xây dựng mã số vùng trồng cho cây mít thái, anh Tạo là người đầu tiên đăng ký tham gia.
Theo anh Tạo, phần lớn sản lượng mít thái hiện nay chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, có nhiều thời điểm hàng tới cửa khẩu nhưng không được thông quan sẽ thiệt hại rất nhiều. Nhưng kể cả việc được thông quan thì nông sản mít thái của Hậu Giang cũng mất thêm chi phí từ 40-50 triệu đồng/container (25 tấn) cho việc thuê mã số. Anh Tạo cho biết thêm: “Trước đây, mỗi chuyến HTX xuất khẩu từ 3-5 container mít thái sang Trung Quốc với sản lượng khoảng 100 tấn thì phải tốn thêm chi phí 200-250 triệu đồng cho việc thuê mã số. Nhưng hiện nay khi đã được cấp mã số vùng trồng thì HTX đã giảm được chi phí đó, lợi nhuận từ đó cũng được cải thiện hơn trước. Hướng tới đây HTX sẽ tiếp tục đăng ký làm cơ sở đóng gói để tiếp tục giảm thêm khoản chi phí thuê mướn khi hàng xuất qua nước bạn”.
Với nhiều nỗ lực, đến nay huyện Phụng Hiệp đã xây dựng được 2 mã số vùng trồng cho chanh không hạt đủ điều kiện xuất sang châu Âu và 15 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gồm: Mít thái (6 mã số), nhãn Ido (3 mã số), xoài (2 mã số) và dưa hấu (2 mã số), sương sáo (2 mã số). Tổng diện tích xây dựng 172ha, có 254 hộ tham gia, tổng sản lượng hàng năm đạt gần 3.700 tấn trái. Tham gia xây dựng mã số vùng trồng nông dân sẽ tuân thủ quy trình ghi chép nhật ký sản xuất. Chuyển đổi dần việc sử dụng phân, thuốc hữu cơ, chế phẩm sinh học thay cho phân thuốc hóa học để tạo ra nông sản sạch đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Trong điều kiện hàng hóa nông sản bấp bênh về giá, khi triển khai định hướng xuất khẩu nông sản đa phần nhà vườn trong huyện đều phấn khởi. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn sinh học, hữu cơ để tạo ra nông sản chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện cũng đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức cho người dân đăng ký xây dựng mã số vùng trồng trên các loại cây đặc sản của địa phương. Bước đầu đã thực hiện được trên cây mít, chanh không hạt, nhãn Ido, dưa hấu, xoài, sương sáo và tới đây sẽ tiếp tục triển khai trên cây sầu riêng, măng cụt...
Nền tảng để doanh nghiệp mở rộng thị trường
Theo ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, để mở rộng thị trường nông sản Việt Nam sang các nước khác trên thế giới, đặc biệt là thị trường EU, đòi hỏi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất chế biến, bắt buộc hàng hóa Việt Nam phải đưa công nghệ truy xuất nguồn gốc vào từng khâu trong các giai đoạn tạo ra sản phẩm.
Ở châu Âu, từ năm 2005, EU xác định truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Điều đó cho thấy các thị trường phát triển rất chú trọng việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trong ngành thực phẩm từ nhiều năm trước. Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm, hàng hóa và đặc biệt là nông sản, thì truy xuất nguồn gốc là được xem như một giải pháp ưu việt, và một xu thế tất yếu cho hàng hóa Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi. Với giải pháp này, doanh nghiệp sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm.
Theo ông Trần Bá Sơn, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc nông sản là cơ sở nền tảng để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hơn nữa trong thị trường quốc tế vốn đòi hỏi khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, được xem là giấy thông hành cho bước tiến xa trong hội nhập, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Do vậy, trong thời gian tới, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đưa truy xuất nguồn gốc thành quy định bắt buộc và chuẩn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng và bảo vệ được thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu sang EU bền vững. Doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm,… để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, cho biết tới đây sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm hay GAP để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Đẩy mạnh việc triển khai đề án nông nghiệp tích hợp, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cùng các chương trình, đề án khác trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp nhằm phát huy tối đa mọi nguồn lực, hỗ trợ nông dân sản xuất có hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa để cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 100 vùng trồng sản xuất các loại cây trồng được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu,... với diện tích 1.604ha. Trong đó, vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 91 vùng trồng, với diện tích 1.388ha, ước sản lượng đạt 24.574 tấn/năm; xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ, Australia… là 9 vùng trồng (trong đó có 1 vùng trồng lúa được cấp mã số xuất khẩu châu Âu), với diện tích là 215,09ha, sản lượng xuất khẩu đạt 4.332 tấn/năm.