Tỉnh Khánh Hòa:
Gỡ khó cho kinh tế hợp tác
Cùng với việc kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, ưu tiên bố trí đầy đủ nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 1804 ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), Liên minh HTX tỉnh cũng xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh tế hợp tác.
Muôn vàn khó khăn
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, các HTX trong lĩnh vực vận tải chịu nhiều tác động nhất bởi dịch COVID-19. Toàn bộ 9 HTX vận tải trên địa bàn tỉnh đều bị giảm doanh thu từ 50 đến 90%. Đặc biệt, trong giai đoạn cách ly xã hội, các HTX này gần như không thể hoạt động, phải cắt giảm quy mô lao động, thu hẹp thành viên.
6 HTX khai thác nuôi trồng thủy sản là nghề đăng truyền thống và 1 HTX nuôi trồng thủy sản đều gặp phải khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Giá thủy sản bị kéo giảm nghiêm trọng, nhiều bè nuôi không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Các HTX đóng tàu cũng chung cảnh ngộ khi số lượng đơn hàng giảm sút, phải thu hẹp quy mô, lao động để cầm cự.
Các HTX sản xuất muối gặp khó khăn cả về sản xuất và vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ giá bán giảm xuống còn 400-500 đồng/kg, lượng muối tồn đọng cũng rất lớn. Tại các HTX tiểu thủ công nghiệp, do việc xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa bị gián đoạn nên khoảng 30% đơn hàng không đáp ứng hợp đồng theo tiến độ, doanh thu giảm sâu. Có nhiều HTX gần như tê liệt, phải tạm đóng cửa.
Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng phòng Nhân sự, HTX thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước (thị xã Ninh Hòa) chia sẻ: “Do dịch COVID-19 nên HTX phải ngưng hoạt động 3 tháng qua, hàng trăm đơn hàng phải tạm ngưng hoặc hủy bỏ. Trước đây, bình quân mỗi tháng, doanh thu của HTX khoảng 6 tỷ đồng, nên việc phải nghỉ liên tục đã gây thiệt hại rất lớn. HTX mới hoạt động trở lại với công suất 20% so với bình thường”.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa, đối với các HTX nông nghiệp, giãn cách xã hội khiến quá trình chăm sóc cây trồng của nông dân gặp khó khăn. Các cơ sở liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, doanh thu giảm sút.
Bên cạnh đó, nông sản tiêu thụ chậm, giá bán giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân. Đối với các HTX, tổ hợp tác trồng rau, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường thiếu rau trong khi các vườn rau buộc phải bỏ trống hoặc trồng ra bán không được.
Cần trợ lực
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho khối kinh tế hợp tác, HTX, Liên minh HTX tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành xem xét, ưu tiên, bố trí đầy đủ nguồn vốn thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 1804 ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn, tập trung tín dụng cho các HTX, có các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố giao cho các HTX có đủ điều kiện về năng lực để thực hiện những dịch vụ phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, môi trường, thầu chợ, bãi giữ xe... trên địa bàn các xã, phường…
Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh tỉnh Khánh Hòa tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ, hoàn chỉnh trình UBND tỉnh trong năm nay.
Khi quỹ đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ tích cực cho các HTX đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, cơ sở vật chất, dịch vụ, đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải tiến mẫu mã sản phẩm nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng xuất khẩu hàng hóa của HTX, tăng thêm thu nhập và việc làm cho thành viên, người lao động, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển...
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 154 HTX, Liên hiệp HTX với 51.432 thành viên. Tổng vốn hoạt động của HTX ước tính hơn 562 tỷ đồng, doanh thu bình quân 1,81 tỷ đồng/HTX/năm, lợi nhuận sau thuế ước đạt 245 triệu đồng/HTX. Các HTX thu hút hơn 8.300 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có 183 tổ hợp tác, trong đó 135 tổ có đăng ký hoạt động với chính quyền địa phương. Vốn bình quân 450 triệu đồng/tổ, lao động bình quân khoảng 20 - 30 người/tổ. Các tổ hợp tác giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, thu nhập trung bình từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng.