Gỡ khó vướng mắc về chính sách bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp
Ngày 28/9 tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề: “Cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội để cải thiện môi trường kinh doanh”.
Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính và chính sách bảo hiểm xã hội đang là rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính và hoàn thiện các chính sách bảo hiểm xã hội tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19 vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2017 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với từng cơ quan hữu quan hướng tới đạt được mục tiêu ASEAN-6 vào năm 2015 và ASEAN-4 năm 2016 theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới.
Nghị quyết 19 năm 2017 bổ sung các tiêu chí khác bao gồm chỉ số Chính phủ điện tử (Liên Hợp Quốc), Chỉ số Sáng tạo (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) và Chỉ số Cạnh tranh (Diễn đàn kinh tế thế giới), qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong thực thi các cái cách ngày càng sâu rộng.
Theo báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, sau ba năm triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ, các cải cách trong môi trường pháp lý và thủ tục hành chính đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, đến thời điểm này, Việt Nam đã tăng 7 bậc từ vị trí 91 lên vị trí 82. Trong 10 các chỉ số thành phần của báo cáo này, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng đối với 7 chỉ số, bao gồm cả Chỉ số nộp thuế và Bảo hiểm xã hội. Mặc dù đã có những cải thiện đáng kể trong môi trường kinh doanh nói chung và Nộp thuế, Bảo hiểm xã hội nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn mong muốn Chính phủ tiến hành cải cách bền vững hơn nữa nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển, đủ khả năng cạnh tranh khi hội nhập vào nền kinh tế thế giới.