Gỡ thủ tục, mở cơ chế: Kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân miền núi vươn lên

Thanh Hằng

Ngày 13/7, tại Lạng Sơn, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ (Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn) với chủ đề “Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt”.

Đối thoại chính sách từ nền tảng địa phương

Diễn đàn là hoạt động trọng điểm hưởng ứng các Nghị quyết số 57/NQ-TW, Nghị quyết số 59/NQ-TW, Nghị quyết số 66/NQ-TW và Nghị quyết số 68/NQ-TW, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Phiên đối thoại địa phương tại Lạng Sơn được tổ chức toàn diện hơn về quy mô và nội dung, hướng tới xây dựng hệ sinh thái đối thoại chính sách minh bạch, hiệu quả, phản ánh thực chất tiếng nói từ doanh nghiệp tư nhân.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ với chủ đề “Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt”.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ với chủ đề “Khai phóng tiềm năng, kiến tạo tương lai Việt”.

Phát biểu khai mạc, anh La Giang Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn, cụm trưởng Cụm Đông Bắc nhấn mạnh, khu vực miền núi giàu tiềm năng phát triển kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp bản địa, du lịch văn hóa - sinh thái, nhưng cần cơ chế linh hoạt, chính sách phù hợp và đội ngũ doanh nhân dấn thân để bứt phá.

Diễn đàn được triển khai theo mô hình ba vòng đối thoại: cấp địa phương, cấp bộ ngành và cấp cao, kết nối trực tiếp doanh nghiệp với hệ thống hoạch định chính sách. Với mạng lưới Hội Doanh nhân trẻ tại 34 tỉnh, thành và hơn 20.000 hội viên, mô hình này tạo nền tảng vững chắc để phản ánh trung thực thực tiễn kinh doanh, kiến tạo hệ sinh thái hành động - phản biện - đề xuất sâu sát.

Tại Diễn đàn, đại diện các Hội Doanh nhân trẻ địa phương tập trung thảo luận các vấn đề: phát triển logistics và công nghiệp chế biến gắn với tài nguyên bản địa; tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ; tận dụng chuyển đổi số ở vùng sâu vùng xa; liên kết phát triển du lịch sinh thái - cộng đồng… Nhiều ý kiến tâm huyết được hiến kế để miền núi không bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình số hóa và hội nhập.

Vòng đối thoại cấp địa phương sẽ tiếp tục triển khai tại các cụm kinh tế trọng điểm. Toàn bộ kiến nghị, sáng kiến từ khu vực Đông Bắc sẽ được tổng hợp vào Sách trắng Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025, trình tại phiên cấp Chính phủ vào tháng 9 tới.

Gỡ nút thắt thủ tục, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ

Nêu ý kiến tại Diễn đàn, ông Đỗ Văn Định - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo có “đất diễn” ngay tại địa phương. Chính kinh nghiệm khởi nghiệp từ năm 2010 tại Hà Giang (Tuyên Quang mới) nhưng phải chuyển về Hà Nội do thiếu nhân lực và điều kiện hỗ trợ đã khiến ông càng quyết tâm kiến nghị những chính sách thực chất hơn cho doanh nghiệp nhỏ. Theo ông, hiện vẫn còn sự chèn lấn từ doanh nghiệp lớn, kể cả doanh nghiệp nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp.

Đồng tình, ông Đàm Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Cao Bằng cho rằng nếu không có cơ chế rõ ràng hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp địa phương thì rất khó có lực lượng doanh nghiệp dẫn dắt, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thậm chí, ông cho biết doanh nghiệp miền núi “ghen tỵ” với doanh nghiệp vùng đồng bằng, được ưu tiên khu - cụm công nghiệp, tiếp cận đất đai, hạ tầng tốt hơn.

Thủ tục hành chính là một vướng mắc lớn được nhiều doanh nghiệp nêu lên. Ông Tiến cho biết khi triển khai một dự án mỏ đá, doanh nghiệp phải hoàn tất tới 14 thủ tục, nhiều cái trùng lắp, dẫn đến tình trạng “chưa có quy định, nên phải chờ”, đi ngược lại tinh thần cải cách của các Nghị quyết. Ông đề xuất các địa phương, bộ ngành cần tham vấn doanh nghiệp khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, đồng thời phải có cơ chế bảo vệ công chức thực thi để xóa bỏ tâm lý sợ sai.

Vấn đề cải cách hành chính còn được ông Trần Văn Minh - Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nêu rõ: “Vì sao Nhà nước luôn nói cắt giảm thủ tục nhưng doanh nghiệp vẫn kêu mãi không xong?”. Ông cho biết nhiều dự án ở các tỉnh còn cần tới hơn 14 con dấu, gây bức xúc và mất cơ hội kinh doanh.

Tuy nhiên, diễn đàn cũng thẳng thắn nhìn nhận doanh nghiệp cần thay đổi để thích nghi. Ông Nguyễn Vũ Linh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Tuyên Quang thừa nhận vẫn còn hiện tượng doanh nghiệp né thuế, khai sai hải quan, chuyển giá, gian lận thương mại, chưa tuân thủ luật lao động. Theo ông, điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm tổn hại đến văn hóa kinh doanh Việt. Doanh nhân trẻ cần đi đầu trong xây dựng văn hóa kinh doanh chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch.

Để làm được điều này, Hội Doanh nhân trẻ các địa phương đề xuất Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo về quản trị, chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp. Đồng thời, kỳ vọng chính quyền địa phương, vốn đã được phân cấp mạnh cần phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong hỗ trợ doanh nghiệp.