"Gỡ vướng" kinh phí thực hiện nhiệm vụ cấp bách chưa được bố trí kế hoạch đầu tư công
Để tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước liên quan đến bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư công và chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Nội dung sửa đổi theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, cơ quan ở trung ương và địa phương kịp thời, chủ động bố trí kinh phí từ chi đầu tư công, chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ phát sinh trong điều hành thực tế nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Cần có cơ sở pháp lý "gỡ vướng" trong thực hiện
Hiện nay, Luật Ngân sách nhà nước chưa có quy định cụ thể ranh giới phân định việc sử dụng hai nguồn kinh phí đầu tư/thường xuyên cho các nội dung về giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án được sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư của dự án. Luật cũng chưa có quy định phân định 2 nguồn kinh phí này trong chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp mở rộng dự án đầu tư xây dựng.
Sau khi Luật ngân sách nhà nước được ban hành, các quy định của Luật Đầu tư công liên quan đến phân loại dự án đầu tư công có phạm vi rộng, chưa có giới hạn rõ phạm vi sử dụng nguồn vốn đầu tư công đối với các dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng công trình xây dựng; mua sắm tài sản, trang thiết bị. Thực tế hiện nay, quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 về đối tượng đầu tư công rất rộng, bao trùm tất cả nội dung xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mua sắm, trang thiết bị bảo đảm hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị...
Theo đó, cần phải có quy định tại Luật Ngân sách nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương kịp thời, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện một số nhiệm vụ chưa được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, nhưng cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách. Từ đó để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị và trong bối cảnh vốn đầu tư công của đơn vị đã được phân bổ hết, kinh phí chi thường xuyên có thể đáp ứng được.
Điển hình như các nhiệm vụ: giải phóng mặt bằng; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án được sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư của dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng phát sinh trong điều hành thực tế.
Chủ động bố trí kinh phí từ chi đầu tư công, chi thường xuyên
Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn nêu trên, tại dự án Luật sửa 7 luật trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật Ngân sách nhà nước liên quan đến chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mới một khoản tại Điều 8 quy định chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; chi phí chuẩn bị, phê duyệt dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án; chi phí lập, thẩm định nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức quy hoạch, thẩm định, công bố, rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Quy định trên sẽ tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương có thể kịp thời, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ này, phát sinh trong điều hành thực tế nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm, cần phải thực hiện ngay trong năm ngân sách để đảm bảo hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này cũng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật Đầu tư công.
Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như cho phép các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có thêm thời gian đối với việc điều chỉnh dự toán, đáp ứng các yêu cầu thực tế phát sinh, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi khoản 3 Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước về thời gian điều chỉnh dự toán ngân sách đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo hướng thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15/12 năm hiện hành. Theo đó, thời gian điều chỉnh dự toán ngân sách đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách được lùi lại 01 tháng so với quy định hiện hành (trước ngày 15/11) và vẫn đảm bảo có đủ thời gian thực hiện trong thời gian còn lại của năm ngân sách.