Gỡ vướng lộ trình thực hiện BHYT toàn dân: Báo động gia tăng nợ bảo hiểm
Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 6 tháng đầu năm 2017 đang có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm 2016. Tình trạng gia tăng nợ đọng các loại bảo hiểm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Nhiều địa phương gia tăng nợ bảo hiểm xã hội
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, lũy kế đến ngày 31/6, tổng số nợ đọng BHXH, BHYT và BHTN là 13.488 tỷ đồng, chiếm 5,2% số phải thu. Trong đó, nợ BHXH là 9.682 tỷ đồng, nợ BHTN là 540 tỷ đồng và nợ BHYT là 3.625 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tổng số nợ BHYT, nợ ngân sách chiếm tỷ lệ rất lớn. Cụ thể, lũy kế đến hết tháng 6, tổng số tiền đóng BHYT cho các đối tượng chính sách được ngân sách nhà nước cấp mà các địa phương còn nợ đã lên tới 2.221 tỷ đồng.
Hiện trên toàn quốc có 23 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành (5,4%); tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH xảy ra ở tất cả các địa phương.
Hà Nội có tỷ lệ nợ BHXH, BHYT và BHTN 8%, Sơn La 7,6%; Gia Lai 7,6%; Bình Thuận 6,9%; TP. Hồ Chí Minh 6,2%. Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ lên tới 2 con số như Bạc Liêu 17,4%; Bình Định 13,6%; Thừa Thiên - Huế 10,2%...
Theo Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam Mai Đức Thắng, trước thực trạng nợ đọng bảo hiểm gia tăng, ngành BHXH đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể như yêu cầu cán bộ thu phải bám sát đơn vị, định kỳ 15 ngày phải có thông báo yêu cầu doanh nghiệp trả nợ và nếu sau hai lần thông báo mà vẫn chưa trả được nợ thì phải đến đơn vị để lập biên bản và có cam kết.
Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị để đưa danh tính các đơn vị nợ đọng BHXH lên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với các bộ, ngành như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác giám sát.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp rất chặt chẽ, cung cấp tình hình các đơn vị nợ để tiến hành khởi kiện. Tuy nhiên, đến nay, dường như các giải pháp trên chưa mang lại nhiều hiệu quả”, ông Thắng cho biết.
Chưa có đơn vị nào phải ra tòa
Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng, từ đầu năm 2017, Công đoàn và BHXH đã phối hợp rất chặt chẽ để thực hiện điều 14 của Luật BHXH nhưng đến nay vẫn chưa đưa được vụ việc nào ra xét xử vì có nhiều vướng mắc.
Nguyên nhân là do có sự chồng chéo trong thực hiện luật. Hiện nay có những vụ, khi phía công đoàn chuyển sang cho tòa án thì bị tòa án trả lại vì không đúng trình tự, thủ tục, có những vụ đã nhận nhưng chưa đưa ra xét xử.
Nguyên nhân là do nếu Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH phải theo thủ tục tố tụng lao động, tức là phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể sau đó phải đưa lên Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết.
Nếu giải quyết không thành hoặc quá thời hạn mà UBND cấp huyện không giải quyết khi đó mới được chuyển sang tòa án. Đặc biệt, theo thủ tục, phải là Công đoàn cơ sở khởi kiện hoặc ủy quyền theo trình tự thủ tục tố tụng lao động. Do quy trình, thủ tục phức tạp và còn nhiều vướng mắc nên đến nay chưa có vụ việc nào được đưa ra xét xử.
Theo các chuyên gia, khi các doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.