Gỡ vướng về thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư

PV. (t/h)

Theo điều tra của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), vướng mắc về thủ tục hành chính luôn nằm trong Top 3 vướng mắc doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, do đó, vấn đề này cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng cần tháo gỡ rào cản khâu thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng cần tháo gỡ rào cản khâu thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", các doanh nghiệp phản ánh, vướng mắc phổ biến hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp chỉ ra rằng, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản rất phức tạp, hiện có tới khoảng 15 luật liên quan đến lĩnh vực này nhưng tính đồng bộ còn chưa cao.

Vì vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, qua đó góp phần hạn chế sự thiếu đồng bộ của quy định trước đây, thể hiện sự cam kết đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, vướng mắc phổ biến nhất hiện nay của doanh nghiệp nằm ở khâu thủ tục hành chính về giải phóng mặt bằng. Vì dù quy định đã có nhưng có những dự án riêng khâu giải phóng mặt bằng đã mất tới 14 năm, một dự án phải qua 177 bước thực hiện, cần tới 40 con dấu mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch, định giá.

Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 4 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đồng thời, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 4 luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 1/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý các vấn đề pháp lý trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ này với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững. 

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban IV, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn nhiều nội dung khó, nhất là liên quan đến dự án đầu tư nước ngoài, vì vậy cần tập trung cao độ để cải cách thủ tục hành chính và minh bạch thông tin tiến độ của các dự án đầu tư.

Trước những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề thủ tục hành chính, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Bộ này đã nhận diện các vấn đề pháp lý doanh nghiệp còn vướng mắc; qua đó tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở năm 2023. Đến nay, các thủ tục hành chính liên quan đến triển khai các dự án đầu tư xây dựng đã được giảm bớt, giảm áp lực cho cả cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp gia nhập thị trường. Mới đây nhất, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổng hợp vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương cho rằng, cần chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực. Cùng với đó, cần phân cấp, phân quyền một cách thực chất, bảo đảm đủ khả năng cho những người, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc. Việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật là một ví dụ cụ thể, là một trong nhiều việc phải làm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Theo Phó Thủ tướng, tại Kỳ họp sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét 30 dự án luật, dự thảo nghị quyết, nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Trong đó, có các dự án luật được đề xuất theo phương án 1 luật sửa nhiều luật để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị để chỉnh lý, đưa vào các dự thảo văn bản và giải trình một cách thỏa đáng. Việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đòi hỏi tổng hợp nhiều yếu tố mà xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách chỉ là một yếu tố.