Hơn 400 thủ tục hành chính cần sớm được phân cấp
Sau 2 năm triển khai Quyết định số 1015/QĐ-TTg, đến nay có khoảng 299/699 thủ tục hành chính đã được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 43,8%. Hiện nay còn khoảng 400 thủ tục hành chính cần phân cấp.
Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho các bộ, các bộ phân cấp cho UBND các tỉnh, với tổng cộng 699 thủ tục hành chính. Sau 2 năm triển khai Quyết định số 1015/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tránh bất cứ việc gì, dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết.
Chiều 7/10, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay, có khoảng 299/699 thủ tục hành chính được phân cấp tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 43,8%. Hiện nay, còn hơn 400 thủ tục hành chính cần phân cấp. Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, về việc phân cấp thủ tục hành chính, Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, hiện các bộ rất tích cực triển khai…
“Theo kế hoạch, thời gian còn lại năm nay và sang năm nữa; có những bộ đã hoàn thành 100%, có bộ hoàn thành khoảng 50% và có một số bộ đạt dưới 50%. Số thủ tục hành chính còn lại nằm ở 31 luật, nghị định sẽ trình Quốc hội thông qua trong Kỳ họp thứ 8 tháng 10 này”, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết.
Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đã có những trao đổi với báo chí về một số bất cập, hạn chế trong việc phân cấp, phân quyền hiện nay và giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin - cho, hướng đến kiến tạo môi trường, không gian phát triển thông qua việc xây dựng thể chế.
Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chúng ta đã triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị Trung ương VI về "Xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động theo hướng hiệu quả", Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo tinh thần đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng bộ, ngành, rà soát các thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành mình quản lý để phân cấp cho các địa phương, hoặc phân cấp giữa Chính phủ giao cho bộ, ngành triển khai thực hiện.
Kết quả là, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi 14 luật, cho ý kiến 2 luật và chuẩn bị trình thêm 4 luật. Trình Quốc hội ban hành 9 nghị quyết, sửa đổi, bổ sung thay thế 27 nghị định. Thủ tướng Chính đã phủ ban hành 19 quyết định và các bộ, ngành đã ban hành 8 thông tư liên quan đến đẩy mạnh, phân cấp, phân quyền.
Tuy nhiên, việc phân cấp, phân quyền không phải nằm tại một văn bản mà nằm nhiều các văn bản luật, các thể chế, văn bản pháp luật khác liên quan đến điều này. Do vậy, tiến độ rà soát, sửa đổi, trình các cấp có thẩm quyền trong thời gian vừa qua chậm. Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, nhiều khi ngại phân cấp đến địa phương vì e ngại địa phương chưa thực hiện được.
“Một số bộ, ngành có tâm lý nể nang, né tránh, còn e ngại phân cấp xuống địa phương chưa thực hiện được nên chưa đảm bảo thực hiện các đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ cho biết.
Do vậy, Thủ tướng đã tiếp tục có chỉ đạo quyết liệt trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để đẩy nhanh tiến độ một số việc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực, tạo ra động lực cho các địa phương tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các chỉ tiêu đề ra.
Về phía Bộ Nội vụ, trên cơ sở tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ sửa 2 luật liên quan đến Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Trước đây nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong luật quy định chưa quyết liệt, cơ chế phân cấp, ủy quyền chưa quy định rõ ràng, có thể những việc cấp trên giao cho cấp dưới yêu cầu phải đảm bảo về nguồn lực, tài chính, gần như chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của cấp được phân cấp hoặc được ủy quyền.
Để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tập trung khẩn trương xây dựng 3 luật để sửa đổi các luật trong lĩnh vực kế hoạch, đầu tư và tài chính, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Những vấn đề mang tính cấp bách trong việc thực thi pháp luật, thúc đẩy phân cấp, phân quyền đã được thể hiện trong dự thảo luật sửa đổi mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 này.
Trong quá trình Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định liên quan đến các quy định pháp luật chuyên ngành, cũng như các quy định về tổ chức bộ máy, yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chủ trì khi tham mưu các quy định chuyên ngành thì không lồng ghép các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến thẩm quyền trong các văn bản chuyên ngành.