Phát triển bền vững: Mối liên kết giữa biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế
Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đang phải đối phó với khủng hoảng liên quan đến việc giảm thiểu suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Việt Nam là nước phải đối mặt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang tăng và đã có những tác động xấu đến kinh tế - xã hội. Cụ thể, tình trạng hạn hán kéo dài và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Thực trạng này đòi hỏi Việt Nam cần có chính sách toàn diện và hiệu quả trước biến đổi khí hậu, trong đó phải xét đến mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội.
Biến đổi khí hậu và tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo của Chính phủ các nước và các nhà khoa học trên thế giới xác nhận rằng, biến đổi khí hậu đã có tác động đáng kể trên toàn cầu. Tác động xấu của nó không thể khắc phục mà còn ngăn cản tiến trình phát triển kinh tế và xã hội công bằng và bền vững.
Trong số 84 nước đang phát triển ở vùng ven biển, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với nguy cơ nước biển dâng. Việt Nam đứng đầu về bị tác động đến dân số, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khả năng mở rộng đô thị, khu vực đất ngập nước; đứng thứ hai về tác động trên diện tích đất và khả năng mở rộng đất nông nghiệp.
Việt Nam có gần 43 triệu người sống tại vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương khi có biến đổi về khí hậu, 55% dân số cả nước dễ bị tổn thương do nước biển dâng, chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất trên thế giới. Việt Nam nằm ở một vị trí ven biển nên chịu nhiều tác động trực tiếp từ những cơn bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác. Hình 1 minh họa rằng, trong những năm tới, số lượng người dân sống ở vùng ven biển có nguy cơ lũ lụt sẽ tăng lên đáng kể, tương tự với giá trị về tài sản và của cải ở vùng có nguy cơ lũ lụt.
Tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã xác định Việt Nam là nước ưu tiên đối với chương trình hỗ trợ về biến đổi khí hậu. USAID đang giúp giải quyết những thách thức về biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp giúp thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hai dự án trọng điểm mà USAID đang thực hiện là dự án rừng và đồng bằng Việt Nam và dự án năng lượng sạch Việt Nam.
Việt Nam với nền kinh tế chuyển đổi cùng với sự phát triển thì tình trạng đô thị hóa cũng tăng mạnh, điều này cũng có những tác động tới việc phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính... Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận là một trong những nước có thiệt hại lớn nhất từ các thiên tai như lũ lụt và bão (với 9.865 trường hợp tử vong, do thiên tai trong giai đoạn 1989-2009; Với 101.000 người bị thương trong thời gian qua và thêm 8,2 triệu người dân tại Việt Nam, chịu ảnh hưởng gián tiếp do nguồn cung về thực phẩm, các yêu cầu sơ tán… Trong khi đó, sự phát triển kinh tế làm tăng tiềm năng cho các thảm họa thiên nhiên, gây thiệt hại vật chất một cách đáng kể.
Ở Việt Nam, ngành công nghiệp tập trung chủ yếu dọc theo bờ biển và ở các vùng đồng bằng. Kết quả là, con người định cư với số lượng lớn tại các khu vực dễ bị tổn thương. Chiến lược hiện nay của Việt Nam để quản lý rủi ro là tập trung vào các phương pháp kiểm soát các mối nguy hiểm và rủi ro, với các biện pháp bảo vệ như đắp đê, sơ tán và hỗ trợ chính phủ cho các hộ gia đình trong thời gian cần thiết. Tuy nhiên, hành động của các cơ quan liên quan còn chưa được quyết liệt, thiếu quan điểm hệ thống toàn diện; chưa quan tâm đúng mức đến các nguyên nhân gốc rễ và chỉ tập trung vào các vấn đề quan sát được sau thực tế.
Ngày nay, công nghiệp hóa là một chỉ số quan trọng của phát triển. Khi vị thế kinh tế - xã hội của Việt Nam tăng lên, ngành công nghiệp tiếp tục phát triển, tăng trưởng kinh tế - xã hội đi liền với vấn đề làm gia tăng rủi ro liên quan đến nguy cơ suy thoái môi trường, đặc biệt là liên quan đến ô nhiễm môi trường nước và không khí. Hầu hết nước thải từ các khu vực sản xuất công nghiệp không được xử lý đúng chuẩn, khiến rò rỉ hóa chất độc hại vào sông Cửu Long và sông Hồng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người, cảnh quan. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, năm 1995, rác từ các nhà máy xi măng ở Hải Phòng vượt quá tiêu chuẩn quy định đến 8 lần. Công nghiệp cũng gây ra xói mòn đất thông qua suy thoái đất, làm cho các vùng bờ biển dễ bị tổn thương hơn do lũ lụt tàn phá. Những tác động tiêu cực của công nghiệp cho thấy, sự bất cân bằng giữa tạo ra việc làm trong ngành công nghiệp và việc phá hủy môi trường đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Khi mức thu nhập tăng lên, lượng khí thải CO2 cũng tăng lên. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6-8% trong thập kỷ qua, nhưng đi cùng với đó, khí nhà kính cũng đã tăng theo cấp số nhân. Các con số từ năm 2010 là 151 triệu tấn CO2, hơn một nửa trong số đó liên quan trực tiếp với sản xuất nông nghiệp và thay đổi sử dụng đất, chủ yếu liên quan đến trồng lúa.
Bên cạnh đó, còn có một liên hệ trực tiếp giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và lượng khí thải CO2. Thu nhập và FDI, cũng như tiêu thụ năng lượng, là ba yếu tố quyết định hàng đầu của phát thải khí nhà kính của Việt Nam. FDI có liên quan tích cực đến khí nhà kính, có thể cung cấp cho các quốc gia đang phát triển công nghệ xanh mà các nước này không có.
Một nghiên cứu mô hình phân tích kịch bản tiềm năng dự đoán tương lai của Việt Nam phải trải qua tác động do khí hậu cao (HCI), tăng trưởng kinh tế cao (HEG). Kịch bản HCI giải quyết các tác động có thể có của biến đổi khí hậu đối với tiến bộ kinh tế và sử dụng đất phát hiện các tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Phát hiện này được ủng hộ bởi thực tế, nông nghiệp là một thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và biến đổi khí hậu có tác động xấu đến mùa màng.
Kịch bản HEG thực hiện mục tiêu tăng trưởng và năng suất cây trồng được thiết lập bởi Chính phủ Việt Nam, để đạt được mục tiêu kinh tế và nông nghiệp. Tương lai của đất nước sẽ được thể hiện bởi tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với sự tăng trưởng trong sản lượng các loại cây trồng, có thể là do những cải tiến bắt nguồn từ sự phát triển của tiến bộ kỹ thuật. Tỷ lệ đô thị hóa cao cũng dẫn đến sự biến mất của khu vực đất được bảo vệ, một bi kịch cho đa dạng sinh học của Việt Nam.
Theo một kịch bản khác, lao động nông nghiệp giảm sẽ có tác động tích cực về tiền lương trong công nghiệp và các công việc khác; An ninh lương thực sẽ tăng 3,4%, nhưng chủ yếu là do nhập khẩu không có lợi cho những người nông dân trồng lúa ở nông thôn về mặt tài chính. Việt Nam sẽ ít chịu biến động giá cả trên thị trường quốc tế về thực phẩm mà phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp trong nước, đây được xem như là một phương tiện để đảm bảo GDP liên tục tăng trưởng.
Kết luận và kiến nghị về chính sách
Với sự tăng trưởng liên tục của các nước đang phát triển trên toàn cầu, biến đổi khí hậu và khí thải ngày càng được ưu tiên trong các hiệp định liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài và tiêu chuẩn môi trường. Như đã đề cập, thu nhập, FDI, và tiêu thụ năng lượng là yếu tố quyết định chính của lượng khí thải CO2 trong nước. Trong những yếu tố quyết định đó, cần ưu tiên trong chính sách đó là, nên được sử dụng FDI như là một công cụ, để áp dụng công nghệ sạch nhằm giảm sự phát thải của các khí nhà kính, trong khi vẫn đạt lợi ích tăng trưởng kinh tế. Lý tưởng nhất là khái niệm về một nền kinh tế xanh, sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm ở Việt Nam và các nước đang phát triển khác và với tầm quan trọng của FDI tới tăng trưởng kinh tế, các khoản đầu tư nên được sử dụng với tác động tích cực, tuân thủ các thỏa thuận về khí hậu và tiêu chuẩn về môi trường. Chính sách FDI xanh có thể sẽ tạo cơ sở cho việc đạt được tốc độ tăng trưởng xanh và chọn lựa các nhà đầu tư nước ngoài là một bước quan trọng.
Một số bước đã và đang được thực hiện, bao gồm hai dự án của USAID: Dự án rừng và đồng bằng Việt Nam, Dự án Năng lượng sạch Việt Nam.
Thứ nhất, dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam nhằm tăng cường lập kế hoạch và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu từ cấp cộng đồng đến cấp quốc gia. Dự án sẽ tham gia thực hiện các chiến lược và chính sách quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển với lượng phát thải thấp, tập trung vào việc giảm khí thải từ lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp cũng như tăng cường sinh kế và định cư thích ứng thông minh với khí hậu, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Dự án có mục tiêu chính là giải quyết những rủi ro biến đổi khí hậu dài hạn có tính đến các vấn đề về giới ở cả vùng cảnh quan rừng và đồng bằng.
Thứ hai, dự án Năng lượng sạch Việt Nam – Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng sẽ hỗ trợ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam và chương trình hành động kèm theo, phù hợp với khuôn khổ của Chính phủ Hoa Kỳ về tăng cường các chiến lược phát triển phát thải thấp hơn. Dự án phối hợp với Bộ Xây dựng nhằm giảm tiêu thụ điện trên cả nước bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, thông qua triển khai bộ quy chuẩn xây dựng Việt Nam “Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả” và thúc đẩy một chương trình xây dựng công trình xanh.
Việc đánh giá các chương trình này là hết sức cần thiết nhằm xem xét phương án nào có thể thực hiện, để theo đuổi các giải pháp chính sách tích cực cũng như tìm hiểu sâu hơn nữa vào tính chất tương quan của kinh tế xã hội phát triển và biến đổi khí hậu.
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đây cũng là cơ sở để hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, đa dạng hóa nguồn lực, cần coi trọng hợp tác, hội nhập quốc tế, tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đối thoại chính sách, hợp tác trong dự báo, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các nước. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải đặt trong mối quan hệ toàn cầu và coi đó không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Rutten, Martine and Henk Hilderlink (2014), Thay đổi sử dụng đất, an ninh lương thực và biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Một cách tiếp cận mô hình toàn cầu đến địa phương;
2. USAID (2014), Chương trình năng lượng sạch Việt Nam – Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực xây dựng;
3. USAID (2014), Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam;
4. Waibel M. (2008), Ý nghĩa và thách thức của biến đổi khí hậu cho Việt Nam, Tin tức Thái Bình Dương;
5. Trần Thọ Đạt và Đinh Đức Trường (2013), Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam.