Mục tiêu xây dựng gói tín dụng này nhằm hỗ trợ cho ngành xây dựng, bất động sản (BĐS) theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2014, các nghị quyết 01 và 02/NQ-CP năm 2013 của Chính phủ.
Theo Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, khi tham gia chuỗi liên kết này, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng là tối ưu và hiệu quả cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường xây dựng, an toàn tín dụng cho các ngân hàng cấp tín dụng, khơi thông hàng hóa vật liệu xây dựng thông qua các hình thức trả chậm và đổi trừ, giảm tiền mặt lưu thông góp phần giảm lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ…
Đối với nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ.
Theo kế hoạch, 4 ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà nước sẽ tham gia chuỗi liên kết này gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank.
Bốn ngân hàng này dành một lượng vốn tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng theo quy định. Bốn ngân hàng này được gọi là “Ngân hàng người mua” trong chuỗi liên kết, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam là Ngân hàng tổ chức.
Bên cạnh đó, 6 ngân hàng thương mại khác tham gia chuỗi liên kết này gồm ACB, Sacombank, Lienvietpostbank, MB, VPB, Oceanbank thuộc nhóm ngân hàng tài trợ.
Theo đó, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam hướng đến là một ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - BĐS.
Mặc dù, đây là gói tín dụng thương mại thông thường, nhưng với những cơ chế đặc biệt, gói tín dụng này đang được kỳ vọng như một đòn bẩy để tổ chức lại thị trường BĐS và khôi phục lại niềm tin trên thị trường vốn đã giảm sút rất nhiều thời gian qua.
Hoài nghi, thất vọng, đó là tâm trạng chung của thị trường BĐS trong thời gian qua. Các chủ đầu tư không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của riêng người mua nhà mà của cả các nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án. Ngay cả khi, các chủ đầu tư đã bắt đầu tháo gỡ dần được khó khăn để tiếp tục dự án thì khách hàng cũng vẫn chưa tin tưởng.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Hoàng Quân cho biết: "Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ Xây dựng cần có sự hỗ trợ nhiều hơn cho chủ đầu tư và khách hàng để làm trung gian và có cơ chế cũng như những định chế giúp cho các sản phẩm nhanh chóng hoàn thành".
Khôi phục niềm tin để các bên hợp tác trở lại, một liên kết 7 ngân hàng với nguồn vốn 50.000 tỷ đã được tổ chức cho thị trường BĐS. Theo đó, các ngân hàng sẽ đứng ra giám sát nguồn tiền và dự án để tạo lòng tin cho các bên. Đặc biệt là xây dựng một cơ chế thống nhất để doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn này.
Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc ngân hàng Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp BĐS có năng lực đang triển khai các dự án trong thời gian qua đều có các khoản vay ở các ngân hàng này hoặc ngân hàng kia. Vì vậy, nếu không có sự thống nhất giữa các ngân hàng thì khi có khoản thu qua một ngân hàng nào đó, ngân hàng đó sẽ có quyền cắt lãi, phạt lãi và gốc của khoản vay cũ. Như vậy, liên minh này đã thống nhất rằng, trong trường hợp như vậy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục được khoản vay mới của ngân hàng. Thì ngân hàng vừa kiểm soát, vừa là trọng tài phân bổ dòng tiền theo sự ký kết của các bên. Đồng thời đảm bảo dòng tiền này đi đúng mục đích".
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay: "Quản lý dòng tiền sẽ tạo ra được niềm tin trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Chủ đầu tư sẽ tin tưởng vào ngân hàng sẽ cho vay. Người xây dựng sẽ tin tưởng chủ đầu tư được thanh toán. Người cung cấp vật liệu xây dựng cho người xây dựng cũng sẽ được thanh toán. Và bản thân những người có nhu cầu mua nhà sẽ tiếp tục đóng tiền để chủ đầu tư có thể hoàn thiện ngôi nhà của mình để giao nhà cho đúng thời hạn. Chúng ta sẽ triển khai một cách thí điểm và sẽ nhân rộng. Từ đó tạo ra một niềm tin hết sức chắc chắn cho thị trường BĐS".
Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đã có thêm nhiều ngân hàng thương mại sẽ tham gia gói tín dụng này. Vì vậy, không chỉ dừng lại ở 50.000 tỷ, gói tín dụng này sẽ đạt ở quy mổ 120.000 tỷ, tháo gỡ nút thắt về hàng tồn kho.