Gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng: “Bỏ rơi” công chức tỉnh lẻ
(Tài chính) Gói ưu đãi mua nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng mới chỉ “sống” ở các thành phố lớn, chứ chưa “màng” tới công chức tỉnh lẻ, nơi không có các dự án chung cư nhà ở xã hội, khiến một lượng lớn người lao động cảm giác bị chính sách “bỏ rơi”.
Chính sách không “màng” tỉnh lẻ
Đi làm đã hơn chục năm, anh Trần Việt – một phó phòng ở UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) mới chỉ tích cóp được chút tiền, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, mua một mảnh đất nho nhỏ ở thị xã Bỉm Sơn. Tuy nhiên, hai vợ chồng trẻ vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ, do chưa có tiền xây nhà.
Nghe thông tin về gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, anh Việt tìm đến một phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank – một trong năm ngân hàng được chỉ định thực hiện chương trình – để tìm hiểu. Tại đây, anh được nhân viên ngân hàng cho biết, dù anh là công chức, và điều kiện thu nhập và tài sản thế chấp của anh đáp ứng được điều kiện để ngân hàng vui lòng cho anh vay 250 triệu đồng như đề nghị, nhưng anh không thể vay trong khuôn khổ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng, do anh vay để xây nhà chứ không phải để mua nhà thuộc dự án nhà ở xã hội hay dự án nhà thương mại giá rẻ có diện tích dưới 70m2 giá dưới 15 triệu đồng/m2.
“Thanh Hóa chỉ có dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành phố Thanh Hóa, chứ ở các thị xã nhỏ, các huyện lỵ, thì không có nhà ở xã hội, chung cư thương mại giá rẻ” – anh Việt nói – “Như thế, những công chức nhà nước như chúng tôi, thu nhập thấp, dù có mảnh đất nhỏ làm tài sản thế chấp, vẫn không được chính sách của Nhà nước quan tâm”.
Giống như anh Việt, anh Hoàng Nam – một công chức ở Thái Nguyên – khẳng định, Thái Nguyên hiện không có dự án nhà ở xã hội, do đất đai trên Thái Nguyên rẻ, vì thế không ai bỏ mấy trăm triệu mua một căn hộ. “Thay vào đó, chúng tôi sẽ mua một lô đất khoảng 50 m2, xây nhà trên đó. Vì thế, đều là công chức như nhau, công chức ở thành phố lớn được vay tiền ưu đãi lãi suất mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, còn công chức tỉnh lẻ như chúng tôi lại không được vay ưu đãi để tạo lập chỗ ở. Thế là bất công” – anh Nam nói.
Rõ ràng, dự án chung cư nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp chưa “phủ” toàn quốc, bởi lẽ, ở các đô thị lớn, đất chật người đông, quy hoạch xây chung cư được coi trọng, nhưng ở các tỉnh lị, thị trấn…, nơi đất đai rộng hơn, không chủ đầu tư nào dại dột đi xây chung cư. “Thế nên, muốn sống ở thành phố lớn, người ta phải chấp nhận ở chung cư. Còn chúng tôi ở tỉnh, việc ở nhà mặt đất là chuyện đương nhiên. Đó cũng là điều phản ánh đúng thực trạng đời sống, diễn biến thị trường bất động sản” – anh Hoàng Nam bày tỏ.
Công chức có thể được vay tới 300 triệu đồng xây, sửa nhà
Tính đến cuối tháng 3 năm nay, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ trị giá 30 nghìn tỷ đồng mới cam kết giải ngân được khoảng 10% giá trị của gói, với số tiền đạt 3.124 tỷ đồng, trong đó, đã giải ngân theo tiến độ cho 3.495 khách hàng với dư nợ 840 tỷ đồng.
Trước thực trạng giải ngân ì ạch của gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn của chương trình, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã đề xuất “nới” một số điều kiện để được vay tiền gói 30.000 tỷ đồng, như kéo dài thời gian vay, mở rộng đối tượng…
Đặc biệt, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản mới đây, Ngân hàng Nhà nước còn đề xuất bổ sung đối tượng là các hộ dân ở đô thị, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các đô thị ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 300 triệu đồng.
“Đề xuất này, nếu được Chính phủ chấp nhận, sẽ “mở đường” cho nhiều công chức tỉnh lẻ vay được tiền giá rẻ để xây nhà” – anh Hoàng Nam nhận định – “Nhưng chúng tôi vẫn mong chính sách an sinh phải bảo đảm công bằng ở các vùng miền, chứ không chỉ đưa ra nhằm vào lợi ích của một nhóm người nhất định, sau đó chỉnh sửa, bổ sung để “gỡ khó” trong quá trình thực hiện như những gì đang diễn ra đối với gói 30 nghìn tỷ đồng”.