Góp sức đưa nông sản Việt vươn ra thế giới


Sau hơn 10 năm Việt Nam gia nhập WTO, ngành Nông nghiệp nói chung và nông sản nói riêng của nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Hướng đến mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 42 - 43 tỷ USD, là đơn vị chủ lực trong đầu tư phát triển "tam nông", trong hơn 31 năm qua, Agribank đã cùng ngành Ngân hàng, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực tiếp sức cho giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Việt.

Agribank luôn kiên định mục tiêu vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển bền vững.
Agribank luôn kiên định mục tiêu vì nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển bền vững.

Chung tay xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

Năm 2018, hạn ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD. Hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam đang được xuất khẩu sang 180 nước và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 trên thế giới, với 10 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, 6 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD (tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng rau quả, hạt điều, cà phê, gạo). Việt Nam đã tham gia và ký kết 12 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và 4 FTA dự kiến sẽ tiếp tục được thông qua trong thời gian tới. Đặc biệt, việc tham gia Hiệp định FTA, nhất là Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được đánh giá là sẽ tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp và nông sản Việt Nam đang phải đối diện với không ít những khó khăn thách thức.

Trước bối cảnh đó, không còn con đường nào khác, ngành Nông nghiệp Việt Nam phải thích ứng để phát triển, liên kết đầu tư sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả, giúp nông dân chủ động trong khâu sản xuất, mạnh dạn đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật…

Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi cần sự chung tay, sự sâu sát của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chủ động của mỗi người nông dân, doanh nghiệp, trong đó có sự đóng góp của các tổ chức tín dụng.

Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tính đến thời điểm cuối năm 2018, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Nhiều năm qua, Agribank đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ vốn và tiếp sức cho “Tam nông” thay đổi tư duy, hành động vì một nền nông nghiệp xanh-sạch-an toàn và phát triển bền vững.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Triển khai các nội dung trên, Agribank đã vào cuộc với nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường.

Cùng với đó, Agribank tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung Tây Nguyên…

Đặc biệt, để đón “làn sóng” đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, ngày 01/11/2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất “Nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng; đồng thời, thực hiện ưu đãi cho vay đối với khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn. Đến nay, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank.

Để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, Agribank đã đồng hành cùng Chương trình truyền hình thực tế “Nông nghiệp sạch” phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia VTV1, qua đó, giới thiệu, quảng bá tới khán giả truyền hình trong và ngoài nước các loại nông sản Việt, các vùng nông nghiệp nổi tiếng, qua đó thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đang dần được hình thành trên toàn quốc…

Có thể khẳng định, thông qua chủ động thực hiện đầu tư tín dụng và cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích, Agribank đã và đang mở ra cơ hội cho hàng triệu nông dân Việt Nam được tiếp cận với kỹ thuật nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, ứng dụng thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa nền nông nghiệp nước nhà, hàng hóa nông sản Việt có những bước tiến lớn trong gia nhập “sân chơi” toàn cầu.

Viết tiếp giấc mơ vươn ra thế giới của nông sản Việt

Với kinh nghiệm 31 năm gắn bó cùng “Tam nông”, để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó có sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm đặc sản các địa phương, xây dựng thương hiệu nông sản Việt khẳng định chỗ đứng trên sân chơi toàn cầu… như mục tiêu đề ra, Agribank đề xuất một số giải pháp, kiến nghị như sau:

Một là, sớm rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu. Xây dựng tiêu chí cụ thể cho các mô hình sản xuất công nghệ cao trong nông nghiệp, có cơ chế khuyến khích tư nhân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời quy hoạch các nhà máy sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Hai là, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết “4 nhà”, do vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với nông dân, phát triển mạnh mẽ tổ hợp tác, hợp tác xã để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong liên kết và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng “Nhà” và có chế tài ràng buộc để giữ mối liên kết; nhất là, sự hỗ trợ trong việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân.

Ba là, chính quyền địa phương quan tâm, ổn định quy hoạch vùng, tiểu vùng ngành nông nghiệp, hỗ trợ Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động sản xuất và cấp tín dụng như: Xúc tiến nhanh việc cấp đổi giấy chứng nhận, gia hạn, chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất...

Bốn là, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi và bảo hiểm tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay, bảo hiểm năng suất, sản lượng…

Năm là, khuyến khích các Hiệp hội thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận, gắn trách nhiệm giữa các ngành, các cấp, chính quyền địa phương trong việc quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình liên kết chuỗi nhằm kiểm soát và có chế tài xử lý đối với tình trạng kiềm giá, ép giá…