Gruzia hướng về Bắc Kinh

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Bắt tay với Trung Quốc là lựa chọn mới của Gruzia để đối trọng với Nga, trong khi phương Tây đang khép dần cánh cửa với nước này.

Thủ tướng Gruzia Irakly Garibashvili. Nguồn: internet
Thủ tướng Gruzia Irakly Garibashvili. Nguồn: internet

Sự quan tâm của Trung Quốc đối với Gruzia và khu vực Nam Caucasus không mới và cũng không bất ngờ. Dù chưa đến mức đáng chú ý, đầu tư của Trung Quốc vào khu vực đã tăng trong nhiều năm, vừa tìm kiếm lợi ích kinh tế vừa phục vụ mục đích ngoại giao. Nhưng khu vực Nam Caucasus chỉ trở thành khu vực mang tính chiến lược đối với Bắc Kinh trong vài năm qua, phần lớn xuất phát từ kế hoạch Con đường tơ lụa mới (NSR) đầy tham vọng của Bắc Kinh, trong đó Gruzia và khu vực Nam Caucasus có vai trò quan trọng.

Nhìn chung, hiện hợp tác Gruzia -Trung Quốc vẫn còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng sự tăng trưởng trong lĩnh vực này rất đáng kể. Một vài năm trước đây, danh mục đầu tư của Trung Quốc ở Gruzia gồm chủ yếu các dự án đầu tư một lần và dự án cung cấp tín dụng, nhưng danh mục đó đã mở rộng đáng kể, biến Trung Quốc thành người chơi lớn tại Gruzia. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Gruzia (GeoStat), kim ngạch thương mại và đầu tư của nước này với Trung Quốc đã tăng vọt trong vài năm qua. Trung Quốc hiện là đối tác lớn thứ ba của Gruzia, chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, và nhỉnh hơn Nga một chút. Kim ngạch thương mại song phương đã tăng nhanh từ chưa tới 115 triệu USD trong năm 2006 lên hơn 820 triệu USD trong năm 2014. Tất nhiên thâm hụt thương mại thuộc về Gruzia: kim ngạch xuất khẩu Gruzia sang Trung Quốc chỉ ở mức 90 triệu USD. Dù sao con số này cũng đã tăng 1.800% so với năm 2009. FDI từ Trung Quốc cho Gruzia cũng là con số khả quan. Sau nhiều năm ở mức không đáng kể, FDI của Trung Quốc bắt đầu tăng lên từ cuối năm 2012, từ 9,6 triệu USD năm 2011 tới gần 200 triệu USD trong năm 2014 - tức là gần bằng 1/5 tổng mức FDI Gruzia nhận được cùng năm. Theo Georgia Online, tháng 3 vừa qua, đại diện giới doanh nghiệp Trung Quốc đã tới Gruzia để làm việc với Bộ Tài chính nước này về cơ hội trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe và cơ sở hạ tầng.

Chính phủ Gruzia không bỏ lỡ sự quan tâm từ Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế Giorgi Kvirikashvili là quan chức chính phủ đầu tiên của khu vực Nam Caucasus gặp mặt đại diện Quỹ NSR của Trung Quốc để thảo luận về việc biến dự án trị giá 40 tỷ USD này thành hiện thực. Hồi tháng 3, một đoàn đại biểu Gruzia đã tới Trung Quốc để đàm phán với các đối tác địa phương về việc thu hút khách du lịch Trung Quốc đến Gruzia, với các biện pháp như khuyến khích tài chính hay mở đường bay thẳng. Đây đã được coi là một ưu tiên phát triển của Gruzia. Nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là việc hai bên đã thành lập được nhóm nghiên cứu chung về tiềm năng ký kết thỏa thuận thương mại tự do song phương. Đáng nói là nỗ lực hợp tác với Trung Quốc của Gruzia đến ngay sau thỏa thuận hợp tác giữa Tbilisi và Liên minh châu Âu (EU) - trong đó bao gồm Khu vực Thương mại Tự do sâu và toàn diện. Đây có thể là một sự trùng hợp, nhưng dù sao vẫn thể hiện nỗ lực đa dạng hóa đối tác kinh tế của Tbilisi. Trong bối cảnh đó, Gruzia còn là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng.

Dù hợp tác Gruzia - Trung Quốc vẫn chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, tác động địa chính trị là không thể bỏ qua. Cũng như ở các nước khác, sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc bao giờ cũng đi kèm ý đồ chính trị. Còn đối với Gruzia, việc bắt tay với Trung Quốc là lối thoát khỏi thế kẹt giữa phương Tây và một nước Nga đang tìm lại vị thế cũ. Ngược với Tbilisi, Bắc Kinh ủng hộ chống lại các nỗ lực ly khai. Thêm nữa, việc Gruzia trở thành nhân tố quan trọng trong kế hoạch NSR của Trung Quốc sẽ biến Tbilisi thành ưu tiên đáng kể về an ninh đối với Bắc Kinh.

Tại Gruzia, sự hoài nghi đối với phương Tây, thêm vào đó là tiến trình hội nhập chậm chạp của nước này vào khối EU - Mỹ đang khiến phong trào thân Nga phát triển. Chính phủ Gruzia rất lo ngại một kịch bản tương tự tại Crimea, trong khi EU và NATO dần tỏ ra thờ ơ với Tbilisi. Mặc dù mới ở những bước đầu, bắt tay với Trung Quốc chính là cách cân bằng ảnh hưởng từ Nga trong bối cảnh bị phương Tây lạnh nhạt. Thậm chí các thế lực mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng được xem xét.

Bước đi tiềm năng cho hợp tác Gruzia - Trung Quốc có thể là mua bán vũ khí phòng thủ. Trong khi Gruzia không có hợp đồng mua bán nào đáng kể với phương Tây, có lẽ vì Mỹ và EU đều e ngại sẽ khiến Nga mếch lòng, các hệ thống quốc phòng của Trung Quốc là lựa chọn phù hợp với tính năng tốt và không quá đắt đối với quân đội Gruzia.

Tbilisi đã nhận được nhiều khoản đầu tư hậu hĩ của Bắc Kinh nhằm thực hiện lời hứa hội nhập kinh tế Á - Âu. Hợp tác trong các lĩnh vực khác dường như chỉ là vấn đề thời gian, trong khi gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ nhận được cái gật đầu của Chính phủ Gruzia. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ phải cảnh giác với sự khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Caucasus, nhưng không có cơ sở để phản đối. Moscow dĩ nhiên cũng không hài lòng với sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực vốn được coi là nằm trong cái bóng của nước Nga, nhưng cũng khó phản đối khi đang bị phương Tây dồn vào thế cô lập, và dần phụ thuộc vào các thỏa thuận năng lượng với Trung Quốc. Nếu xu hướng này không thay đổi, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành một thế lực đáng kể tại khu vực Nam Caucasus.