Dòng tiền nóng rút dần khỏi Trung Quốc
(Taichinh) - Trong khi toàn thế giới đang thể hiện sự ghen tỵ đối với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc, dòng tiền vẫn đang lặng lẽ rời khỏi quốc gia này với tốc độ nhanh nhất trong vòng một thập kỷ qua.
Louis Kuijs, một nhà kinh tế chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và là giám đốc ngân hàng hoàng gia Scotland ước lượng tính đến thời điểm cuối tháng 3/2015, Trung Quốc đã mất khoảng 300 tỷ USD khi luồng vốn rút ra khỏi quốc gia này trong vòng 6 tháng vừa qua. Trong khi đó, Deltec International, một công ty đầu tư quốc tế có trụ sở tại Bahamas còn đưa ra các con số ước lượng cao hơn về dòng vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Từ năm 2006 cho đến thời điểm cuối năm 2014, tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng gấp 3 lần lên mức 4 nghìn tỷ USD và đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối cao nhất thế giới. Một phần nguồn tiền này đến từ thặng dư thương mại và một số khác đến từ các dự án đầu tư dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc trong các lĩnh vực sản xuất, khách sạn và qua góp vốn vào các công ty.
Tuy nhiên, một phần không nhỏ đóng góp vào quỹ dự trữ ngoại hối khổng lồ 4 nghìn tỷ USD của Trung Quốc còn bắt nguồn từ các dòng tiền nóng, xuất phát từ các nhà đầu tư đi tìm kiếm lợi nhuận thông qua đầu tư vào các kênh trái phiếu và cổ phiếu, vốn có thể mang lại lợi tức nhanh chóng trong giai đoạn thị trường tài chính đầy biến động vừa qua. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc được coi là một điểm đến hấp dẫn của các dòng tiền nóng do quốc gia này sở hữu một đồng Nhân dân tệ mạnh và một thị trường chứng khoán đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã bắt đầu thay đổi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp, bong bóng bất động sản xì hơi đã khiến các khoản nợ xấu phát sinh, đồng thời làm gia tăng rủi ro vỡ nợ trái phiếu. Bên cạnh đó, chiến dịch thanh trừng tham nhũng do Chủ tịch nước Tập Cận Bình phát động cũng đang gửi đi một thông điệp cảnh báo đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ phận vốn đầu tư đang tận dụng sự dễ dãi của các điều kiện tài chính trong thời gian qua.
Với những biến chuyển đó, dòng vốn đầu tư nóng đã bắt đầu thoái lui. Tổng dự trữ ngoại hối chính thức của Trung Quốc đã sụt giảm 260 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2015. Các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường Trung Quốc bao gồm các quỹ đầu tư quốc tế, cũng như các cá nhân vàcác công ty của Trung Quốc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Một số rút vốn một cách bất hợp pháp thông qua việc lách qua các quy định tiền tệ chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc, một số khác chuyển tiền một cách hợp pháp bằng cách tăng lượng vốn đầu tư ra nước ngoài thông qua hoạt động cho vay bởi các ngân hàng Trung Quốc.
Quá trình rút vốn ào ạt này đang đặt NHTW Trung Quốc (PBoC) vào tình cảnh bị bó buộc trong điều hành chính sách. Trong bối cảnh này, để ngăn chặn tình trạng dòng vốn chảy ra, PBoC cần tăng lãi suất để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên khi tăng trưởng kinh tế chậm chạp việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực thúc đẩy đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Do đó, hiện tại dư địa để PBoC có thể tăng lãi suất là rất hạn hẹp và khả năng dòng vốn sẽ tiếp tục chảy ra mạnh hơn trong thời gian tới nếu như chính phủ Trung Quốc không có giải pháp hữu hiệu nào để chặn đứng tình trạng trên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích kinh tế lạc quan tại Trung Quốc cho rằng sự sụt giảm trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thời gian qua chỉ phản ứng sự giảm giá trị của đồng Euro vốn chiếm một tỷ trọng khá cao trong rổ dự trữ của quốc gia này; trong khi đó dự trữ ngoại hối của hệ thống ngân hàng trong nước vẫn gia tăng đều đặn.
Bản thân chính phủ Trung Quốc hiện tại dường như cũng không quá quan tâm đến vấn đề này và quốc gia này cũng đang triển khai nhiều biện pháp để vượt qua tình trạng trên. Trước hết, Trung Quốc đang tiếp tục siết chặt lại các quy định kiểm soát đối với hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, PBoC thay vì sử dụng biện pháp giảm lãi suất, có thể sử dụng biện pháp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như trong tháng 4 vừa qua, một công cụ hiệu quả giúp gia tăng dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế nhưng đồng thời không gây áp lực đối với các dòng vốn ra vào nền kinh tế.
Với lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ xấp xỉ 4 nghìn tỷ USD hiện nay, Trung Quốc có thể không cần quá lo ngại về vấn đề dòng vốn chảy ra. Tuy nhiên, theo Kuijis, các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn phải rất cẩn thận trước vấn đề này để đưa ra những động thái và quyết sách điều hành phù hợp.