GS., TS. Vương Đình Huệ: Phát triển đặc khu kinh tế cần thể chế vượt trội

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có Luật về đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính kinh tế.

Bên lề hội thảo khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội do Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh tổ chức, GS., TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về tiềm năng và cơ hội phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam.

Phóng viên: Xin ông cho biết việc xây dựng và hình thành các đặc khu kinh tế có ý nghĩa như thế nào tới sự phát triển của đất nước?

GS., TS. Vương Đình Huệ: Phát triển đặc khu kinh tế cần thể chế vượt trội - Ảnh 1
GS., TS. Vương Đình Huệ,
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
GS., TS. Vương Đình Huệ: Nhìn ra thế giới có thể thấy, các khu kinh tế tự do (đặc khu kinh tế) là một vấn đề có tính phổ biến, là kết quả cụ thể của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích của việc xây dựng các đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước.

Tiền thân của mô hình đặc khu kinh tế là các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế tự do. Các mô hình này có lịch sử phát triển từ lâu với sự hình thành các "Cảng tự do" đầu tiên ở Italia vào năm 1547 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vào đầu thế kỷ 18. Mô hình "Cảng tự do" sau đó được mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ trở thành Khu mậu dịch tự do như Singapore (1819) và Hồng Kông (1842). Đến nay trên thế giới đã có hơn 3.500 khu kinh tế tự do tại 135 quốc gia.

Ở Việt Nam, tại Hội nghị Trung ương 4 khoá VIII (12/1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất. Tuy nhiên, mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000 ha. Những khu kinh tế này đã đạt được các kết quả nhất định xét về các mặt thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết công việc làm ăn cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương...

Tuy nhiên, thể chế ở các khu kinh tế này tuy đã có vượt trội so với các khu công nghiệp, nhưng chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, về tiền thu sử dụng đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh. Mặt khác, cho đến nay hầu như chưa có những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thực hiện đầu tư ở các khu kinh tế này. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện các dự án đầu tư lớn nhưng ít có dự án đầu tư với công nghệ hiện đại. Có thể nói, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa của nó.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là trên cơ sở lợi thế của Việt Nam về kinh tế biển đảo, nước ta sẽ phát triển các đặc khu kinh tế, đặc khu kinh tế hành chính, tạo ra các cực tăng trưởng, có sức lan tỏa với cả nước. Mục tiêu thứ hai của đặc khu kinh tế là nơi thử nghiệm các cơ chế chính sách có tính đột phá để có thể áp dụng cho cả nước sau này.

Ông đánh giá thế nào về các điều kiện cần và đủ của Việt Nam trong việc hình thành và phát triển khu kinh tế?

Việt Nam là nước có lợi thế lớn về kinh tế biển, đảo với hơn 50 cảng biển, 40 vũng, vịnh, 3.000 hòn đảo lớn nhỏ; là một trong 10 nước trên thế giới có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển (3.260 km). Vì thế, lựa chọn một số địa điểm có lợi thế vượt trội để hình thành đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khoá XI) đã ghi rõ: "Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt". Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đã được lựa chọn.

Để xây dựng thành công các đặc khu kinh tế trong thời gian tới ở Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì thưa ông?

Để làm được những điều này, chúng ta cần phải có các giải pháp, trước hết, Việt Nam cần phải có Luật về đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính kinh tế, tôi biết dự án luật này đã có trong chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội sau khi chúng ta đã thông qua Hiến pháp năm 2013.

Chúng ta phải xây dựng các thể chế về hành chính, thể chế về kinh tế một cách vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực cũng như cạnh tranh trong nước cho các đặc khu kinh tế hiện nay của Việt Nam. Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước phải được xem trọng nhất.

Xác định được những vị trí có lợi thế địa kinh tế thuận lợi nhất để xây dựng các đặc khu kinh tế. Chúng ta phải bằng mọi cách tìm kiếm và giới thiệu cho các nhà đầu tư những vị trí có lợi thế địa kinh tế lớn nhất và khảo sát một cách kỹ lưỡng cũng như quảng bá cho nước ngoài. Ngoài 3 khu vực là Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), những địa điểm có thể được lựa chọn là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (hình thành tuyến phát triển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam); Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh (tuyến phát triển phía Bắc); các tỉnh ven biển miền Trung (Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định,...). Những đặc điểm có lợi thế ở từng khu vực, địa điểm cần được nghiên cứu, khảo sát cụ thể và quảng bá với các nhà đầu tư nước ngoài.

Một yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của các đặc khu kinh tế trên thế giới chính là việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Theo tôi, có thể có ba phương cách, trước hết chúng ta có thể là mời các công ty tư vấn hàng đầu trên thế giới như Mc Kenzy hôm nay có mặt ở đây để tham khảo tìm hiểu, chỉ dẫn cho các nhà đầu tư chiến lược, đến những chỗ nào người ta mong muốn đến.

Vấn đề thứ hai là Chính phủ Việt Nam có thể tiếp cận và mời các nhà đầu tư chiến lược với những cam kết rõ ràng mà nhà đầu tư chiến lược có thể quan tâm. Cách thứ ba hiện nay Quảng Ninh đang làm là tổ chức những hội thảo, quảng bá như thế này, tìm kiếm đối tác chiến lược chủ động, khởi động quá trình tiếp cận ở cấp quyết định cấp cao nhất, đó là Chính phủ.

Như nhiều diễn giả quốc tế hôm nay cũng nói là Quảng Ninh có điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hòa, đặc biệt tôi đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy Quảng Ninh, các cấp ủy chính quyền của Quảng Ninh, khát vọng, sức sáng tạo và quyết tâm bằng mọi cách biến khát vọng của mình thành hiện thực.

 Xin cảm ơn ông!