Hà Nội: Đẩy mạnh chống hàng giả để tạo niềm tin cho nhân dân
Là địa bàn trung tâm, tập trung đầu mối và lưu lượng hàng hóa lớn nhất, chiếm 30% của cả nước, Hà Nội được đánh giá là địa bàn phức tạp và luôn là "điểm đến" mà các đối tượng buôn lậu hướng tới. Chính vì vậy, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng rất cần được đẩy mạnh để tạo niềm tin cho nhân dân.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho biết, quy mô thương mại và lưu lượng hàng hóa của Hà Nội rất lớn, vì thế thị trường có nhiều điểm phức tạp là điều hiển nhiên. Để quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, Chi cục đã nhận được sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Thành phố và các cấp, ban, ngành. Trên cơ sở quy định của nhà nước, Chi cục đã có 2 quy chế và thông tư trong tay, vì thế, từng công chức đã hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Chi cục luôn đề ra kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Các đội quản lý thị trường thường xuyên có báo cáo ngày, báo cáo tuần, thường xuyên đôn đốc công việc của cán bộ nhân viên để quản lý thị trường cho hiệu quả.
Tuy nhiên, để phát triển doanh nghiệp cần chú trọng khâu sản phẩm đầu vào, làm sao vừa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ lẫn giá thành. Về vấn đề chống hàng giả, hàng nhái, cần có sự đồng hành giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có hành lang pháp lý, giải quyết tốt vấn đề vốn để đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp Hà Nội.
Người tiêu dùng mong muốn gì?
Theo ông Phạm Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội, người tiêu dùng mong muốn gì? Đó chính là chất lượng và giá cả. Chất lượng ngày càng đòi hỏi phải tăng lên không ngừng, hay chính là sự cải tiến, từ chỉ tiêu, mẫu mã đến quy cách đóng bao gói.
Ví dụ như về thực phẩm, người tiêu dùng cần các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được bao gói gọn gàng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mua bán thuận lợi. Bên cạnh đó, họ cũng luôn luôn so sánh với chất lượng hàng hóa nước ngoài.
Trong quá trình hội nhập ASEAN, yếu tố nội khối, hay nói cách khác là hàng tiêu dùng từ các nước trong khu vực cũng gây sức ép không nhỏ tới hàng Việt Nam. Về giá cả, hàng hóa Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc, Thái Lan. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Hồng phải giải được bài toán năng suất, bằng các biện pháp như đổi mới công nghệ, chuẩn bị sản xuất kỹ lưỡng...
Một đòi hỏi nữa từ phía khách hàng là chính sách bảo hành, hậu mãi. Bên cạnh đó, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng cần được chú trọng. Người tiêu dùng tiếp cận một mặt hàng thông qua thương hiệu. “Tôi cho rằng thương hiệu là sức hút. Bởi vậy, việc làm cần thiết chính là xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng”, ông Hồng nói.
Cần sự phối hợp giữa các bên
Theo ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng đường khác nhau, tập trung vào các mặt hàng như hàng tiêu dùng, điện tử, quần áo, giày dép, túi xách, thực phẩm, mỹ phẩm… Trong đó dược phẩm, mỹ phẩm bị làm giả nhiều nhất vì có giá trị cao.
Thời điểm cuối năm, lượng hàng hóa từ khắp nơi đổ về Hà Nội thường tăng mạnh. Tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng sẽ diễn biến phức tạp. Với vai trò tham mưu cho UBND Thành phố trong công tác bình ổn và giữ vững thị trường, không để hàng giả hoành hành, ông Nguyễn Đắc Lộc cho biết, Chi cục luôn giám sát chặt chẽ việc tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu cho Tết như rượu, bia, thực phẩm, bánh kẹo...Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt ngay.
Tuy nhiên, để có chỗ đứng trên thị trường, bản thân các doanh nghiệp phải tập trung phát triển mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cũng phải quan tâm, phối hợp với quản lý thị trường trong công tác chống hàng giả, hàng nhái bởi nó liên quan tới sự sống còn của doanh nghiệp.
“Tại Hoài Đức, có những làng nghề rất lớn và tiêu thụ sản phẩm tương đối ổn định. Việc làm giả sản phẩm các đơn vị trong nước một cách tràn lan là khó, vì bản thân các doanh nghiệp bị làm giả sẽ phát hiện ra ngay và báo cáo các đơn vị quản lý”, ông Lộc chia sẻ.
Ngoài việc phải đối mặt với những hàng hóa bị làm giả, các doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Theo ông Phạm Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng thành phố Hà Nội, hiện nay, chúng ta đang phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Khi phát hiện hàng hóa Trung Quốc chứa hóa chất, nhiều người tiêu dùng mong muốn sử dụng hàng hóa Việt Nam an toàn.
“Như khi có thương hiệu, hoặc nhóm thương hiệu tập thể đảm bảo chất lượng như chè đạt tiêu chuẩn VietGap, gà đồi Ba Vì,... người tiêu dùng rất an tâm sử dụng sản phẩm Việt”, ông Hồng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho rằng, hiện nay, một số doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh có lúc, có nơi còn lợi dụng chuyện khuyến mại thực hiện gian lận thương mại, tiêu thụ những sản phẩm kém chất lượng, hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng. Sự phối hợp chính quyền giữa các quận, huyện còn nhiều hạn chế, coi việc này là của doanh nghiệp, vì thế chưa mang lại hiệu quả.
Về quản lý thị trường, thành phố Hà Nội là một thị trường rộng lớn, trải dài trên 30 quận, huyện, với trên 200.000 doanh nghiệp, phục vụ cho khoảng 10 triệu dân. “Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng rất cần được đẩy mạnh để tạo niềm tin cho nhân dân, có như vậy, khi chúng ta hội nhập càng sâu, việc cạnh tranh của sản phẩm trong nước mới đạt hiệu quả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh.