Tại sao hàng giả còn tung hoành?
Sau nhiều năm quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái nhưng số vụ việc bị xử lý dường như không có dấu hiệu thuyên giảm, do nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.
Cục Chống hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho biết, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng giả hiện chiếm 5-7% thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, thách thức các cơ quan chức năng, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế nước nhà.
Xử phạt 30.000 vụ hàng giả
Tại tọạ đàm “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết 9 tháng năm 2016, Cục đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.403 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong đó, giả về chất lượng công dụng 2.288 vụ, giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì 1.534 vụ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 316 vụ, vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa 350 vụ và nhãn dán hàng hóa 22.850 vụ. Tổng số tiền xử phạt từ các vụ vi phạm trên là 58 tỷ đồng.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả hàng nhái đã ở mức báo động đỏ, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hơn 30% thuốc men ở các nước phát triển là hàng giả, và mỗi năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người chết vì sử dụng phải thuốc giả.
Riêng ở Việt Nam, vấn nạn hàng giả hoành hành ở khắp các lĩnh vực, từ nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh đến những nhóm hàng phục vụ người tiêu dùng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không những đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh, bóp chết những DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng.
Theo giới chuyên gia, với những thương hiệu lớn thường bị hàng giả xâm phạm, kể cả khi phát hiện, doanh nghiệp khuyến cáo đến người tiêu dùng thì cũng sẽ mất đi lượng lớn khách hàng. Bởi người tiêu dùng hiện thường có xu hướng thà không mua để đỡ “vướng” phải hàng giả.
Thực tế, người dân rất khó phát hiện được hàng giả, hàng nhái trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng hiện nay. Đại diện công ty trách nhiệm hữu hạn nhựa Song Long cho biết: “Sản phẩm giả thường giống hệt các sản phẩm chính hãng, trừ khi mang các sản phẩm giả đó đến cơ quan chức năng phân tích mới có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả”.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị khi mà chữ tín bị ảnh hưởng, người tiêu dùng quay lưng.
Xoá “điểm yếu”, giảm hàng giả
Trước sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại các thành phố lớn đã được đẩy lùi một bước, song lại “nở rộ” ở các vùng nông thôn. Theo lý giải của các chuyên gia là do người dân vẫn còn ham của rẻ. Đây chính là “điểm yếu” của người tiêu dùng đã được các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả lợi dụng.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả. Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua, việc phối hợp kiểm tra, bắt giữ xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các lực lượng thực thi đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Trịnh Văn Ngọc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc trao đổi thông tin chưa thường xuyên, còn thiếu tính kịp thời, đôi khi phối hợp trong kiểm tra, thanh tra còn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch hành động. Cùng với đó là nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ chưa được nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi còn hạn chế và cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này, trả lại sự trong sạch cho nền kinh tế nước nhà cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban chỉ đạo 389, nhấn mạnh rằng cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để cho người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh buôn bán, vận chuyển hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 19 của Thủ tướng về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…
“Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành trên thị trường Việt Nam. Các đối tượng chủ yếu sản xuất ở nước ngoài rồi sau đó tuồn vào trong nước để tiêu thụ (60-70%). Công nghệ, thủ đoạn làm hàng giả hàng nhái ngày càng tinh vi và tốc độ cũng nhanh hơn nhiều so với trước đây. Chủ yếu, chúng biết lợi dụng, khai thác những nhược điểm của nền kinh tế nước ta, một trong số đó là rất thiếu và yếu công nghiệp phụ trợ.