Hà Nội: Đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới

Theo Nguyễn Hạnh/congthuong.vn

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thu hút đầu tư trong khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2021 tăng trưởng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. TP. Hà Nội xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động

Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thu hút đầu tư tăng trưởng 2,3 lần

Theo Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, năm 2021 các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và chế xuất chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn đạt kế hoạch và chỉ tiêu đề ra các chỉ tiêu về thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Trong đó, trong 11 tháng năm 2021, các khu công nghiệp và chế xuất của Hà Nội thu hút đầu tư được 7 dự án mới với vốn đăng ký 27 triệu USD và 315 tỷ đồng; 26 dự án đầu tư mở rộng vốn đăng ký 147 triệu USD và 2.039 tỷ đồng. Tổng mức thu hút đầu tư đạt 275 triệu USD quy đổi (đạt 92% so với kế hoạch năm 2021 và gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020).

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, ước doanh thu năm 2021 đạt 7.775 triệu USD (đạt 102,3% và tăng 2,3% so với năm 2020); nộp ngân sách 239 triệu USD (đạt 101,7% và tăng 1,7%); xuất khẩu đạt 4.887 triệu USD (đạt 104,8% và tăng 4,8%) và nhập khẩu đạt 4.104 triệu USD (đạt 102,6% và tăng 2,6%).

Đối với công tác phòng chống dịch CCOVID-19, Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thành lập 4.600 tổ an toàn COVID-19 với khoảng 20.000 thành viên tham gia.

Hiện đã có trên 660 doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất bình thường. Tổng số lao động đang tham gia sản xuất khoảng 164.957 người (đạt 100%). Tổng số lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1 là 164.300 người (đạt 99%) và tiêm mũi 2 được khoảng 143.990 người (chiếm 88%).

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư thường trực Thành ủy - nhận định, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song tổng mức thu hút đầu tư tại đây năm 2021 vẫn tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020, cho thấy dư địa phát triển và tiềm năng của khu vực này. Do đó, đề nghị thời gian tới, khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cần thích ứng an toàn, linh hoạt với diễn biến của dịch COVID-19, khẩn trương vận hành các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp và chế xuất. Đặc biệt, cần xây dựng dữ liệu dân cư quốc gia để quản lý chặt chẽ lao động; phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ người lao động theo đúng các chủ trương chung; xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương có các khu công nghiệp và chế xuất để chung tay quản lý, giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tăng cường làm tốt công tác quản lý, cấp phép tại các khu công nghiệp và chế xuất thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuế, hải quan để hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp. Tiếp tục bám sát các quy định của Trung ương và Thành ủy để xúc tiến việc thành lập mới các khu công nghiệp.

Sẽ thành lập 2 - 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025

Nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới; đồng thời, cụ thể hóa chiến lược phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố phù hợp với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất các địa phương của thành phố;… ngày 7/1, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 65/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập 2 - 5 khu công nghiệp mới, giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, TP. Hà Nội xác định và phấn đấu hoàn thành mục tiêu thành lập 5 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, Khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn diện tích 302,8ha ở hai xã Minh Trí và Tân Dân; Khu công nghiệp Đông Anh, huyện Đông Anh diện tích 300ha ở các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh; Khu công nghiệp Bắc Thường Tín, huyện Thường Tín diện tích 112ha ở các xã Văn Bình, Ninh Sở, Liên Phương; Khu công nghiệp Phú Nghĩa mở rộng, huyện Chương Mỹ diện tích 389ha ở các xã Phú Nghĩa, Trường Yên, Ngọc Hòa; Khu công nghiệp Phụng Hiệp, huyện Thường Tín diện tích 174,88ha ở các xã Dũng Tiến, Nghiêm Xuân, Tô Hiệu, Thắng Lợi.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm. Thành phố còn thực hiện rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2).

Việc phát triển các khu công nghiệp mới sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng công nghiệp tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố đáp ứng nhu cầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư trong nước vào Hà Nội nói chung và đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố nói riêng, từ đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là 10,2%/năm, từng bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm cho người lao động; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 1.347,42 ha, trong đó có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Tính đến đầu tháng 12/2021, các khu công nghiệp của Hà Nội đã thu hút được trên 700 dự án, trong đó, có 303 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,1 tỷ USD; 399 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 18.000 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân trên 18 triệu USD/dự án FDI, trên 53 tỷ đồng/dự án trong nước; bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư.