Hà Nội sẽ đầu tư công viên phần mềm hơn 10.500 tỷ đồng
(Taichinh) - UBND thành phố Hà Nội vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin thành lập khu công nghệ thông tin tập trung tại quận Long Biên.
Được biết, chủ đầu tư của dự án là Công ty TNHH một thành viên Hanel, quy mô sử dụng đất là hơn 43 ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 10.500 tỷ đồng bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hơn 942 tỷ đồng, xây dựng công trình tại các khu chức năng là hơn 9,5000 tỷ đồng. Thời gian triển khai xây dựng là từ năm 2015 đến năm 2019.
Với nhận định dự án nhằm phát triển kinh tế tri thức và phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp phần mềm của Thủ đô; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước..., văn bản của UBND thành phố Hà Nội khẳng định nếu dự án sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông theo mục tiêu của Chính phủ.
Khi hoàn thành, dự án khu Công viên Công nghệ Phần mềm Hà Nội nằm trong tổng thể dự án Đô thị sinh thái Sài Đồng A sẽ là một khu công viên công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế được thiết kế và triển khai theo mô hình mới.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Hanel, cho biết, đây là một khu công viên công nghệ phần mềm mở, thiết kế theo xu hướng mới đang áp dụng và phát triển thành công ở các nước trong khu vực và thế giới.
Ngoài các hạng mục về hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển phần mềm như: khu gia công phần mềm quốc tế và nghiên cứu phát triển, khu dịch vụ gia công trên nền công nghệ thông tin (ITO), quy trình kinh doanh (BPO), dự án còn có đầy đủ các hạng mục khác. Dự án có hạ tầng kỹ thuật, trường đào tạo cho các lập trình viên, kỹ sư có kỹ năng, trí tuệ tại chỗ, có những khu dịch vụ, thương mại công nghệ và thương mại điện tử, cùng những khu nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện trên địa bàn Hà Nội mới chỉ có khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy. Được biết, theo UBND thành phố Hà Nội, về cơ bản khu công nghệ này đã sử dụng hết cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hơn 300 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề khác nhau.