Hà Nội: Tăng tốc phát triển dự án nhà ở xã hội


Với mức giá rẻ và chất lượng, nhà ở xã hội trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Để đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người dân, TP. Hà Nội đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn.

Nhà ở xã hội góp phần bảo đảm an cư cho người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị thu nhập thấp và trung bình thấp - Ảnh: Thùy Chi
Nhà ở xã hội góp phần bảo đảm an cư cho người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị thu nhập thấp và trung bình thấp - Ảnh: Thùy Chi

Phát triển nhà xã hội để người dân "an cư lạc nghiệp"

Nhà ở xã hội rất cần thiết, bảo đảm an cư cho người dân, góp phần cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị thu nhập thấp và trung bình thấp, đồng thời góp phần ổn định xã hội, tạo sự công bằng dân chủ trong đời sống người dân đô thị.

Nhằm đáp ứng nguồn cung cho người dân, ngày 3/4/2023, Chính phủ công bố Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Đây là cơ hội sẽ giúp cho những người dân, người lao động thu nhập thấp có cơ hội mua nhà để yên tâm "an cư lạc nghiệp".

Thực hiện chương trình phục hồi kinh tế theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã khởi công xây dựng được 34.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 7,8 triệu m2.

Theo thống kê hiện cả nước đang tiếp tục triển khai 401 dự án với tổng diện tích khoảng 22,7 triệu m2. Số lượng nhà ở xã hội hoàn thành giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và công nhân các khu công nghiệp được cải thiện, có chỗ ở ổn định.

Tại Hà Nội, để bảo đảm cho người dân ở Thủ đô Hà Nội có chỗ ở, "an cư lạc nghiệp", UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp…

Cụ thể, Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Đặc biệt, trong Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hà Nội sẽ dành hơn 220 tỉ đồng để hoàn thiện và điều chỉnh các tòa nhà đang bỏ hoang hơn chục năm tại dự án ký túc xá cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành nhà ở xã hội.

Dự án được khởi công từ năm 2009, trên khu đất có vị trí đắc địa ở phía nam Thủ đô, ngay cạnh cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp vành đai 3, đường Giải Phóng, gần nhiều trường đại học, cao đẳng, nhưng sau hơn 10 năm, chỉ có hai khối nhà hoạt động, còn lại các tòa nhà đã cơ bản hoàn thành xây thô, nhưng vẫn bỏ trống, gây lãng phí rất lớn.

Trước đó, vào năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành nhà ở xã hội để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa, nhưng chưa được thực hiện.

Đầu năm 2023, TP. Hà Nội đã chính thức có quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi công năng dự án bằng tiền ngân sách.

Theo đại diện Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội, việc chuyển đổi từ ký túc xá sinh viên thành nhà ở xã hội rất thuận lợi.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải trải qua rất nhiều thủ tục, cho nên thời gian dự kiến hoàn thiện chuyển đổi nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là vào năm 2025.

Một tin vui khác đến với những người thu nhập thấp sống có nhu cầu cải thiện chỗ ở là mới đây, tại hội nghị gặp gỡ, đối thoại của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động theo chương trình của Chính phủ đã ban hành.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, TP. Hà Nội đang thực hiện rất quyết liệt và sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội.

Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã sẵn sàng, TP. Hà Nội mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công xây dựng một số khu nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người dân.

Phấn đấu đến năm 2025 có thêm 12.000 căn hộ phục vụ người dân

Theo số liệu từ Sở Xây dựng Hà Nội, hiện Hà Nội có 40 dự án được triển khai, trong đó 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021 - 2025 với khoảng 870.000 m2 sàn, dự kiến hơn 12.000 căn hộ.

Và 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 22.400 căn hộ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, Hà Nội chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ.

Nhà ở xã hội hiện là loại hình chiếm đến 80% nhu cầu của người dân, tuy nhiên trong thời gian qua, nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội là việc làm rất cần thiết, cần vào cuộc mạnh mẽ từ các địa phương.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bổ sung thêm quỹ nhà ở xã hội, phục vụ cho những người dân có thu nhập thấp, TP. Hà Nội đang tiếp tục rà soát những quỹ đất, đề xuất phương án xây nhà ở xã hội mới.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ cho nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp, công nhân và người lao động.

Sở Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. Hà Nội đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.

Bên cạnh đó, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, dự án trên đường Tố Hữu thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang được thi công và dự kiến sẽ là 1 trong 22 dự án Hà Nội đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước năm 2025.

Hiện TP. Hà Nội cũng đang tính đến việc sẽ xây dựng nhà ở xã hội độc lập dọc Vành đai 4 đang được triển khai để tạo ra một không gian phát triển mới cũng như thuận lợi cho giao thông.

Với sự quyết tâm cao, hiện TP. Hà Nội đang nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nhà ở, phát triển nhà ở xã hội để bảo đảm cuộc sống, cải thiện đời sống cho người dân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" do Bộ Xây dựng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP. Hà Nội đã giao cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với 2 dự án xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Đồng thời, đang xem xét 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín; và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh.

Dự kiến, 5 dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ nhà ở xã hội của thành phố.

Báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện các dự án xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cho rằng, cần có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng.

Trường hợp lựa chọn  nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu thì cần có quy trình đấu thầu riêng, đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện với nhà ở xã hội.

Đối với khó khăn, vướng mắc về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Đối với khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời, giao quyền cho Thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

Về khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.

Tuy nhiên, luật, nghị định chưa quy định cụ thể danh mục hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ, làm cơ sở để cơ quan nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Từ thực tế trên, TP. Hà Nội đề xuất Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho TP. Hà Nội chủ động bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn; giao quyền cho thành phố điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê…

Tăng tốc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc làm rất cần thiết. Đây là một vấn dề dân sinh, không chỉ bảo đảm an cư cho người dân, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy đầu tư, tác động tích cực đến phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội bền vững, toàn diện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Theo Thùy Chi/baochinhphu.vn