Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn thu bền vững
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu thu và nhiệm vụ chi năm 2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo ráo riết cùng Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Đảng đoàn HĐND Thành phố và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó bảo đảm nguồn thu bền vững cho thành phố.
Chiều 25/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố (TP) về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2022.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Theo báo cáo, 8 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt nhiều kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2021. Ngân sách thành phố vẫn bảo đảm kinh phí hoạt động của các cấp, các ngành, thực hiện chính sách an sinh xã hội; phòng chống, xử lý, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; giải quyết các vấn đề bức xúc dân sinh và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lũy kế đến hết ngày 20/8 là 219.126 tỷ đồng, đạt 70,3% dự toán, bằng 109,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đã thực hiện đạt 200.618 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, bằng 108,2% so với cùng kỳ. Dự báo, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện là 342.365 tỷ đồng, đạt 109,9% dự toán, bằng 105,8% so với thực hiện năm 2021.
Tuy nhiên, một số khoản thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp, nhất là khoản thu về nhà, đất, thu đấu giá quyền sử dụng đất trong 8 tháng đạt 11.055 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư còn thấp. Một số đơn vị dự toán chưa chủ động triển khai nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm. Tổng chi ngân sách địa phương lũy kế đến hết ngày 20/8 là 40.309 tỷ đồng, mới đạt 37,7% dự toán năm và bằng 106,6% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển đã thực hiện 13.843 tỷ đồng, đạt 27,1% dự toán và bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp thực hiện mục tiêu thu, nhiệm vụ chi trong những tháng cuối năm 2022, nhất là khắc phục những hạn chế, khó khăn về chi đầu tư xây dựng cơ bản, đấu giá quyền sử dụng đất...
Nhất trí với 10 nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm và 5 kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện các khoản thu, chi còn thấp như thu từ nhà, đất; giải ngân vốn đầu tư công. Đồng chí cũng đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ bảo đảm ổn định ngân sách 3 năm; bảo đảm tỷ lệ điều tiết ngân sách tương ứng với phân cấp, ủy quyền cho các địa phương; khai thác nguồn thu từ tài sản công, trong đó có phần diện tích tầng 1 ở các khu chung cư.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, cần xử lý dứt điểm các khoản thuế nợ đọng lâu năm; tháo gỡ thủ tục hành chính để thúc đẩy tiến độ đấu giá đất, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho địa phương; triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án theo Nghị định số 25/2020-NQ/CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. “Số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh ở các địa phương rất lớn, nhiều hộ mong muốn phát triển thành doanh nghiệp. Thành phố cần phải có giải pháp khuyến khích chuyển đổi, vừa giúp người dân mở rộng sản xuất, vừa tăng nguồn thu cho thành phố”, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, trên cơ sở kết luận của Thường trực Thành ủy sau cuộc làm việc này, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm mục tiêu thu ngân sách nhà nước và tăng tỷ lệ chi đầu tư xây dựng cơ bản; trước mắt, tập trung tháo gỡ vướng mắc về giá, phân cấp và thủ tục hành chính để đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm nguồn thu đồng đều cho các quận, huyện, thị xã.
Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao các cơ quan thành phố, các cấp, các ngành đã cố gắng với trách nhiệm cao thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách thời gian qua. Nhờ đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2021 rất tích cực trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Đặc biệt, 8 tháng năm 2022, kinh tế phục hồi mạnh, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 7,79%. Thu ngân sách đạt cao, Hà Nội thực sự là “hộ lớn” đóng góp rất quan trọng cho ngân sách cả nước với vị trí đứng đầu về thu nội địa.
Tuy nhiên, kết quả chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp. Đây là vấn đề các cấp, các ngành phải tập trung tháo gỡ thời gian tới; coi đây là giải pháp mang tính động lực đối với tăng trưởng từ nay đến năm 2025.
Cơ bản thống nhất với báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, trên cơ sở Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội”, UBND Thành phố chỉ đạo việc cụ thể hóa các nội dung về tài chính, ngân sách để thực hiện phù hợp với thực tiễn của Thủ đô.
Đồng thời phải đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; làm tốt những nội dung sẽ trình ra kỳ họp HĐND TP sắp tới; lấy đây là cơ sở bước đầu để tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay, còn 1.150 thủ tục hành chính ở cấp sở, nhưng nhiều việc xảy ra không rõ đơn vị chịu trách nhiệm. Đề xuất với Trung ương về tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp, tạo điều kiện cho Thủ đô tăng cường đầu tư phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Đảng đoàn HĐND Thành phố, Ban Cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo rà soát công tác quản lý và sử dụng các loại tài sản công để có biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý, gia tăng nguồn thu cho thành phố. Các cấp, ngành phải thực hiện tốt các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế theo quy định chung; tập trung đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành tài chính, ngân sách như thu thuế điện tử; chú trọng phòng, chống buôn lậu...
Đối với đấu giá đất, Bí thư Đinh Tiến Dũng khẳng định, phải tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tiến độ, nhưng quan trọng nhất là phải quản lý chặt chẽ không để xảy ra thông thầu, tham ô, tham nhũng trong đấu giá đất.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu thu và nhiệm vụ chi năm 2022, thành phố nói chung trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo ráo riết cùng Ban Cán sự đảng UBND Thành phố, Đảng đoàn HĐND Thành phố và sự vào cuộc của các cấp, các ngành để tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, qua đó bảo đảm nguồn thu bền vững cho thành phố.
Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện gắn với đánh giá cán bộ, trong đó xác định rõ trách nhiệm cá nhân, đề xuất rõ phương án xử lý trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ, tuyệt đối không cào bằng, nể nang, né tránh.